SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khả năng tác động trên tăng trọng và phòng bệnh cho vịt của lá Xuân hoa (Pseuderanthemum palatiferum)

[05/06/2019 16:38]

Nghiên cứu do các tác giả: Huỳnh Kim Diệu và Đàm Thùy Nga - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Cây Xuân hoa (XH) khoảng thập niên cuối thế kỷ 20, được xem như thần dược có khả năng trị bá bệnh, đến năm 1996 mới được Trần Công Khánh xác định tên khoa học. Từ đó nhiều nghiên cứu khoa học về cây XH được thực hiện. Phân tích thành phần hóa học cho thấy hàm lượng dưỡng chất trong lá XH rất cao (đạm chiếm 30,80%) và chứa đầy đủ khoáng và acid amin thiết yếu với hàm lượng cao (Võ Hoài Bắc vàLê Thị Lan Oanh, 2003). Cây cũng chứa các hoạt chất có hoạt tính kháng khuẩn cao, ức chế được vi khuẩn gram âm, gram dương và nấm (Trần Công Khánh vàctv.,1998), bên cạnh đó lá XH cũng chứa các flavonoid và steroid đóng vai trò quan trọng trong trị bệnh (Phan Minh Giang và ctv., 2005). Bổ sung bột XH vào thức ăn heo với liều 0,2g/kg thể trọng/ngày phòng bệnh cho hiệu quả cao nhất,tác động tốt trên tăng trọng, số lượng hồng cầu, hàm lượng hemoglobin, tỉ khối hồng cầu và phòng tiêu chảy tốt (Huỳnh Kim Diệu, 2009a).Bột XH trộn vào thức ăn cá phòng được bệnh xuất huyết và gan thận mủ ở cá tra (Huỳnh Kim Diệu, 2011). Bột XH cũng được nghiên cứu bổ sung vào khẩu phần gà,giúp tăng trọng tốt và phòng được bệnh (Ngô Thành Tâm và Huỳnh Kim Diệu, 2017). Để tìm hiểu thêm khả năng phòng bệnh của cây XH trên vật nuôi, nghiên cứu sử dụng bột XH phòng bệnh cho vịt được thực hiện.

Để đánh giá hiệu quả phòng bệnh và khả năng tác động trên tăng trọng của lá Xuân Hoa (XH), lá XH dạng bột sấy khô được trộn vào thức ăn của vịt.Thí nghiệm được thực hiện trên 180 vịt siêu thịt Cherry Velley 10 ngày tuổi, thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức: nghiệm thức 1 (1,8 g bột lá XH/kg thức ăn), nghiệm thức 2 (2,4g bột lá XH/kg thức ăn) và nghiệm thức 3 (3,0g bột lá XH/kg thức ăn) và nghiệm thức đối chứng (không bổ sung bột lá XH). Sau 30 ngày thí nghiệm, kết quả tăng trọng của vịt cao nhất ở nghiệm thức bổ sung 2,4g bột lá XH/kg thức ăn (47,4g/con/ngày), kế đến lần lượt nghiệm thức bổ sung 3,0g bột lá XH/kg thức ăn(45,8 g/con/ngày), 1,8g bột lá XH/kg thức ăn (39,7 g/con/ngày) và thấp nhất là đối chứng(37 g/con/ngày).Tỉ lệ sống ở nghiệm thức đối chứng thấp nhất (82,2%), kế đến nghiệm thức 1 (93,3%) và nghiệm thức 2 (95,6%) và cao nhất ở nghiệm thức 3 (97,8%). Liều 2,4 g và 3,0 g bột lá XH/kg thức ăn tác động tốt nhất trên các chỉ tiêu sinh lý máu (số lượng hồng cầu, tỉ khối huyết cầu, số lượng bạch cầu, thể tích trung bình hồng cầu). Sau 30 ngày phòng bệnh bằng bột lá XH, khảo sát vi thể mẫu gan, thận vịt không có dấu hiệu bệnh tích. Như vậy, bổ sung bột lá XH vào thức ăn tác động tốt trên sự tăng trưởng và phòng bệnh cho vịt và bột lá XH không có độc tính.

Tạp chí Khoa học tập 54, chuyên đề Thủy sản (2018) – Đại học Cần Thơ (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài