SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Áp dụng 4.0 vào sản xuất: Nông dân giám sát trồng lúa bằng smartphone

[14/12/2021 08:22]

Chỉ với chiếc smartphone, ở bất kỳ nơi đâu, người nông dân cũng có thể biết mực nước trên ruộng, cây lúa thừa hay thiếu phân, dịch hại gì đang bùng phát để kịp thời xử lý...

Trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay thì trí tuệ nhân tạo AI đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ. Nông nghiệp 4.0 là nền nông nghiệp lý thuyết ít đi, bắt tay vào thực tiễn nhiều hơn.

Được biết, nơi triển khai thí điểm mô hình “canh tác lúa lý tưởng” đầu tiên ở ĐBSCL là tại vùng đất Sen Hồng, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) thông qua hệ thống quản lý nước ngập - khô xen kẽ.

Mô hình canh tác lúa lý tưởng giúp nông dân giảm 50% phân bón, giảm lượng rác thải khí nhà kính, tăng năng suất 30%.

Mô hình đang được áp dụng công nghệ điện toán đám mây, nông dân bất cứ ở đâu cũng có thể bơm nước hoặc rút nước ra khỏi ruộng thông qua điện thoại smartphone. Đặc biệt nhất, nông dân sử dụng 100% máy sạ lúa, vừa bón phân vùi xuống gốc lúa cùng lúc và sử dụng phun thuốc BVTV thông minh bằng máy bay không người lái trong cả vụ lúa... Kết quả, nông dân giảm 50% phân bón, giảm 75% công bón phân, giảm 50% lượng rác thải khí nhà kính, tăng năng suất 30%. Từ đó giúp thu nhập của bà con làm lúa tăng lên ít nhất 20%.

Đặc biệt, mô hình có sự liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, giúp nông dân an tâm sản xuất. Ước tính, lợi nhuận trung bình nông dân thu về gần 20 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 4,3 triệu đồng/ha/vụ so với phương pháp canh tác thông thường.

Mô hình canh tác lúa lý tưởng đã ứng dụng các thông tin và máy móc hiện đại phục vụ quá trình quản trị sản xuất cây lúa từ nước, phân bón, từ chỉ dẫn môi trường, độ PH để đưa ra những hành động phù hợp với sự sinh trưởng, đảm bảo năng suất tối đa của cây lúa. Từ đó đảm bảo được chuỗi khép kín từ khâu tổ chức sản xuất, khâu chế biến, gắn đến xây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm.

Về phần nông dân, điều này có nghĩa là sức lao động của người nông dân sẽ được giải phóng để làm những công việc khác để có thêm thu nhập. Khi đó, đời sống của người nông dân có thể sẽ được cải thiện hơn so với việc độc canh cây lúa như hiện nay.

Ngoài ra, những thiết bị phục vụ vào quá trình sản xuất lúa như phao quan trắc nước (quan trắc nước mặn) kết nối và truyền dữ liệu cảnh báo về smartphone thông qua ứng dụng; máy bơm và những thiết bị khác phục vụ vào sản xuất lúa gạo có thể kết nối và điều khiển bằng điện thoại thông qua kết nối Internet vạn vật (IoT).

Ngoài việc ứng dụng IoT vào việc hỗ trợ bơm tưới tự động, hiện HTX Mỹ Đông 2 còn áp dụng thử nghiệm mô hình trạm giám sát sâu rầy thông minh. Với việc được lắp đặt một số thiết bị thông minh như cảm biến và hệ thống quan sát thông minh, trạm giám sát sâu rầy sẽ giúp người dùng có thể biết được mật độ sâu rầy trên đồng ruộng nhiều hay ít để có những giải pháp xử lý phù hợp. Hệ thống này có thể dự báo tương đối chính xác khoảng cách trong vòng 5km2. Trạm giám sát sâu rầy thông minh sẽ làm thay công việc thăm đồng thủ công của nông dân. Thông qua nguồn dữ liệu mà trạm giám sát sâu rầy thu thập được hằng ngày, sẽ được gửi về điện thoại thông minh của người dùng.

Cùng với đó, tỉnh Đồng Tháp xây dựng mô hình trình diễn cánh đồng mẫu lớn ứng dụng trang thiết bị thông minh và đạt chuẩn VietGAP. Cuối vụ, sản phẩm lúa làm ra có chất lượng tốt, năng suất vượt trội, hiệu quả sản xuất đạt cao nên nông dân rất phấn khởi.

Có thể thấy, người nông dân tiếp cận nhiều hơn với các ứng dụng trong thời đại công nghệ, giúp họ nâng cao năng suất sản xuất lúa theo VietGAP, khi dùng thuốc BVTV thay vì vứt vỏ chai, bao bì bừa bãi như trước đây, thì người nông dân chỉ cần thông qua một chiếc smartphone là có thể xử lý được việc phun thuốc, phòng trừ sâu bệnh.

Hoài Thương 

https://vietq.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài