SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quy mô thị trường Blockchain có thể đạt mốc 228 tỷ USD vào năm 2028

[16/02/2022 10:32]

Quy mô thị trường Blockchain dự kiến sẽ tăng từ 4,93 tỷ đô la vào năm 2021 lên 227,99 tỷ đô la vào năm 2028.

Quy mô thị trường Blockchain dự kiến sẽ tăng từ 4,93 tỷ đô la vào năm 2021 lên 227,99 tỷ đô la vào năm 2028. Ảnh minh họa

Theo báo cáo mới nhất của The Insight Partners, quy mô thị trường Blockchain dự kiến sẽ tăng từ 4,93 tỷ đô la vào năm 2021 lên 227,99 tỷ đô la vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng hằng năm kép ước tính vào khoảng 72,9% từ năm 2021 đến năm 2028.

Thị trường Blockchain toàn cầu được phân khúc thành thanh toán, trao đổi, hợp đồng thông minh, nhận dạng kỹ thuật số... Các phân khúc khác bao gồm bỏ phiếu kỹ thuật số, quảng cáo và nhiều hoạt động khác. Công nghệ Blockchain giúp giảm chi phí, tăng tính bảo mật và minh bạch, đồng thời giảm thời gian giao dịch và nhu cầu sử dụng các đơn vị trung gian.

Blockchain đã và đang được ứng dụng bởi các doanh nghiệp lớn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm. Công nghệ chuỗi khối giúp nâng cao cơ sở hạ tầng và giải quyết các vấn đề hiệu quả hơn các hệ thống hiện tại.

Theo báo cáo của The Insight Partners, sự tăng trưởng thị trường trong tương lai của Blockchain chủ yếu là do sự quan tâm của các công ty lớn trên thị trường như IBM, Microsoft, Oracle và Intel. Năm 2020, mảng thanh toán dẫn đầu thị trường và chiếm thị phần lớn hơn cả.

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của xã hội, bao gồm cả các cá nhân và tập đoàn. Vì vậy, hệ sinh thái Internet ngày càng trở nên quan trọng trên toàn thế giới. Sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp trực tuyến cũng đã mở rộng đáng kể do sự bùng phát Covid-19.

Hầu hết các lĩnh vực từ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đến chăm sóc sức khỏe và khoa học đời sống, sản xuất, bán lẻ, vận tải và hậu cần, các ngành công nghiệp khác đã di chuyển lên các nền tảng trực tuyến do tác động của đại dịch. Vì vậy, nhu cầu về một hệ thống Blockchain đã tăng lên giữa các nhà cung cấp. Bên cạnh đó, nhiều chính phủ và cơ quan quản lý đã buộc các tổ chức công và tư đẩy mạnh sử dụng các công nghệ mới trong bối cảnh mọi người phải làm việc từ xa và duy trì khoảng cách xã hội trong đại dịch.

Trong bối cảnh các thiết bị di động và sự thâm nhập Internet trên toàn thế giới ngày càng tăng, công nghệ Blockchain đang nhận được nhiều sự quan tâm hơn.

"Các tổ chức trở nên dễ tổn thương trước các vấn đề về quyền riêng tư do thay đổi các mô hình và kiến trúc công nghệ thông tin phân tán khiến nhu cầu sử dụng các giải pháp blockchain trong thời gian bùng phát Covid-19 tăng cao", báo cáo của The Insight Partners phân tích.

Blockchain là một hệ thống cơ sở dữ liệu chứa thông tin, được dùng để lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau, và được quản lý bởi tất cả mọi người tham gia hệ thống, thay vì một bên thứ 3 riêng lẻ như nhà nước hay ngân hàng trung ương; đồng thời cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn bằng một hệ thống mã hóa phức tạp, và được mở rộng theo thời gian.

Kể từ đầu năm 2017 đến nay, Blockchin đã trở thành từ khóa rất ‘hot’ và công nghệ này đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, giáo dục, kinh tế, y tế, game, thương mại điện tử,... thậm chí là nông nghiệp.

Bảo Lâm

www.vietq.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài