SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bệnh viện điện mặt trời đầu tiên ở Việt Nam

[24/06/2010 14:30]

Vừa qua, Viện Vật lý TP Hồ Chí Minh đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời nối lưới tại Trung tâm y tế TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Đây được coi là bệnh viện điện mặt trời đầu tiên ở Việt Nam.

     Dù giữa tiết nắng nóng gay gắt, lịch cắt giảm điện dày đặc ở miền Trung, nhưng khu cấp cứu - Trung tâm y tế Tam Kỳ vẫn hoạt động bình thường, người bệnh vẫn có quạt, điện chiếu sáng, không lời than phiền vì nắng nóng.


     Các trang thiết bị cứu chữa người bệnh vẫn hoạt động bình thường mà không có tiếng máy nổ, không có mùi của xăng dầu chạy máy phát điện. Nguồn điện được tạo ra bởi hệ thống pin năng lượng mặt trời nối lưới được lắp đặt ngay trên mái tôn của Bệnh viện.


     Bác sỹ Phạm Hồng Yên - Giám đốc Trung y tế Tam Kỳ cho biết: “Nhờ ứng dụng hệ thống điện mặt trời, Trung tâm đã chủ động được nguồn điện, giúp cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch. Hệ thống vừa an toàn, tiết kiệm, vừa thân thiện với môi trường”.


     Bệnh viện điện mặt trời nối lưới đầu tiên ở Việt Nam đưa vào lưới cục bộ của bệnh viện này nguồn “điện xanh” đầu tiên. Với dàn pin mặt trời 3.000 Wp năng lượng sản sinh từ 25 dàn pin, trung bình 12,20 kWh/ngày vào mùa mưa và 15,40 kWh/ngày vào mùa nắng, Bệnh viện được cung cấp khoảng 600 kWh/tháng và 7.200 kWh/năm. Tổng dung lượng điện mặt trời sản ra mỗi ngày đảm bảo 100% nhu cầu điện của khu cấp cứu của bệnh viện.


     Theo đánh giá, lợi ích nhất của nguồn điện này là đảm bảo 24/24h, không còn bị mất điện đột xuất có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Đặc biệt công nghệ điện mặt trời nối lưới (SIPV) đảm bảo tự động chuyển đổi sang hệ điện dự phòng một cách liên tục, không làm mất dữ liệu máy tính và cả thiết bị phục vụ cấp cứu mà không phải chờ khởi động máy nổ mỗi khi điện lưới bị mất.


     Dự án trên được triển khai theo Nghị định thư giữa Việt Nam và Tây Ban Nha, do Bộ Ngoại giao Việt Nam ký kết. Để có được bệnh viện điện mặt trời nối lưới, nhóm nghiên cứu Solarlab thuộc Viện Vật lý TP Hồ Chí Minh đã bắt tay vào nghiên từ năm 2005 và áp dụng thử nghiệm từ năm 2008 vào Villa điện mặt trời tại TP Hồ Chí Minh.


     Ông Trịnh Quang Dũng - Trưởng phòng phát triển công nghệ điện mặt trời - Viện Vật lý TP Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Để điện mặt trời nối lưới được áp dụng rộng rãi, Nhà nước cần sớm ban hành luật hòa lưới cho điện mặt trời nói riêng và năng lượng tự nhiên nói chung. Hy vọng rằng, trong tương lai, nhiều bệnh viện điện mặt trời sẽ ra đời từ mô hình thành công của Trung tâm y tế Tam Kỳ”.


      Theo ông Trịnh Quang Dũng, đây là mô hình bệnh viện điện mặt trời nối lưới đầu tiên ở Việt Nam và là sản phẩm “Made in Việt Nam” 100%. Toàn bộ các hệ thiết bị đều do Solarlab thiết kế và chỉ đạo chế tạo tại Công ty Cổ phần Nam Thái Hà (TP Hồ Chí Minh).
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài