SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu phương pháp lai trong cải thiện chất lượng giống tôm càng xanh

[21/08/2018 15:31]

Nghiên cứu của Nguyễn Minh Thành và Nguyễn Thanh Vũ thuộc trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Tp.HCM và Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, được thực hiện tại Trung tâm Quốc gia thủy sản nước ngọt Nam Bộ với 845 cá thể gồm dòng tôm Đồng Nai và Mekong, dòng tôm Hawaii nhằm đánh giá tăng trưởng và ước tính giá trị di truyền cộng gộp cũng như giá trị không di truyền từ phép lai hỗn hợp giữa 2 dòng tôm Việt Nam (Đồng Nai và Mekong) và dòng tôm Hawaii nhập nội.

Ảnh: Minh họa

Tôm càng xanh là một trong những đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Sản lượng tôm càng xanh toàn cầu năm 2014 đạt 216.857 tấn, ước tính giá trị hơn 1,33 tỷ đô la Mỹ. Sản lượng tôm càng xanh của Việt Nam đạt khoảng 7.700 tấn vào năm 2009 và đạt 9.732 tấn vào năm 2016. Tôm càng xanh là một trong những đối tượng ưu tiên phát triển nuôi trồng của nước ta. Chính phủ đề ra mục tiêu nuôi tôm càng xanh đạt sản lượng 50.000 tấn vào năm 2025. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm càng xanh hiện nay vẫn chưa phát triển bền vững, phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm giống, trong khi chưa được chọn giống nâng cao chất lượng di truyền và nguồn tôm giống nhập nội không kiểm soát được chất lượng con giống. Hiện trạng này cho thấy sự cần thiết của chương trình chọn gióng nâng cao chất lượng di truyền cho tôm càng xanh nhằm cải thiện một số tình trạng có giá trị kinh tế. 

Việc chọn giống là một giải pháp nâng cao chất lượng con giống lâu dài, tuy nhiên, một phương pháp đươn giản là lai phối giữa các dòng tôm càng xanh có nguồn gốc khác nhau về mặt địa lý cũng có thể cải thiện tăng trưởng của tôm nhờ vào ưu thế lai ở thế hệ con. Phương pháp lai có thể cho kết quả nhanh chóng và ít tốn kém so với phương pháp chọn giống.

Nghiên cứu này có các mục tiêu cụ thể: so sánh tốc độ tăng trưởng của các dòng tôm càng xanh có nguồn gốc địa lý khác nhau, ước tính mức độ ảnh hưởng của các yếu tố di truyền và không di truyền đến tăng trưởng của tôm càng xanh. Nghiên cứu thí nghiệm nuôi 15 tuần, kết quả nghiên cứu cho thấy, tổ hợp lai sử dụng dòng tôm Đồng Nai hoặc Mekong làm tôm mẹ và dòng tôm Hawaii làm tôm bố có tăng trưởng hơn có ý nghĩa (P<0.05) so với các tổ hợp ghép phối nội dòng. Giá trị di truyền cộng gộp cao nhất ở dòng Hawaii (+10,2%) và thấp nhất ở dòng Mekong (-11,65%). Giá trị ưu thế lai trung bình không đáng kể và không có sự khác biệt có ý nghĩa so với 0 (P>0,05). Yếu tố lai chéo có tác động kìm hãm sự tăng trưởng, bởi vì tổ hợp lai giữa dòng Hawaii (H) là tôm mẹ và dòng Đồng Nai (D) hoặc Mekong (M) làm tôm bố có tăng trưởng chậm hơn các tổ hợp lai chéo của nó (DH và MH). Kết quả nghiên cứu cho thấy, yếu tố di truyền cộng gộp và yếu tố lai chéo có tác động đáng kể đến tính trạng tăng trưởng so với yếu tố ưu thế lai.

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Số 13 (2018)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài