SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của biện pháp xử lý canxi đến hiện tượng nứt trái và phẩm chất chôm chôm Rongrien tại huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ

[22/08/2018 08:25]

Nghiên cứu: “Ảnh hưởng của biện pháp xử lý canxi đến hiện tượng nứt trái và phẩm chất chôm chôm Rongrien tại huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ” do Tác giả: Trần Thị Bích Vân, Lê Bảo Long – Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Chôm chôm Rongrien  được trồng nhiều ở các nước  Ma-lai-xi-a,In-đô-nê-xi-a và Thái Lan. Ở Việt Nam, giống chôm chôm Rongrien được du nhập từ Thái Lan và được trồng từ năm 1996, đây là giống có đặc tính sinh trưởng mạnh, dễ ra hoa và đậu trái, đặc biệt là thích nghi với đồng bằng song Cửu Long và miền Đông Nam bộ, hiện là giống có nhiều triển vọng để thay thế giống chôm chôm Java hiệu quả kém đang trồng phổ biến ở nước ta. Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng hạn chế lớn nhất hiện nay mà nhà vườn gặp phải khi trồng chôm chôm Rongrien là hiện tượng nứt trái. Đặc biệt là khi mùa mưa nhiều.

Mục đích của thí nghiệm là đánh giá ảnh hưởng của các biện pháp xử lý canxi đến hiện tượng nứt trái và phẩm chất chôm chôm Rongrien (Nephelium lappaceum Linn). Thí nghiệm được thực hiện tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ trên cây 5 năm tuổi trong cùng một vườn có cùng chế độ chăm sóc, mùa vụ 2016. Lượng phân vô cơ sử dụng cho 1 cây trên tất cả các nghiệm thức là như nhau, được chia làm 4 lần bón: đợt 1 (sau thu hoạch) 0,32 kg N - 0,23 kg P2O5, đợt 2 (trước khi ra hoa 1 tháng): 0,1 kg N - 0,1 kg P2O5 - 0,075 kg K2O, đợt 3 (khi cây đậu trái): 0,1 kg N - 0,1 kg P2O5 - 0,075 kg K2O và đợt 4 (khi cây mang trái): 0,12 kg K2O. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm có 4 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức có mười lần lặp lại, mỗi lần lặp lại tương ứng một cây. Kết quả thí nghiệm cho thấy nhúng trực tiếp trái làm giảm tỷ lệ nứt trái 4,15 lần và tăng năng suất thương phẩm 19,8%; phun trực tiếp lên trái 3,67 lần và 20,3%; phun đều lên lá và trái 1,93 lần và 11,0% so với đối chứng (theo thứ tự). Các biện pháp bổ sung CaCl2 đều có khuynh hướng làm giảm độ brix thịt trái.

Tạp chí nông nghiệp và phát triển nông thôn số 10/2018
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài