SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Dùng cảm biến làm giảm chi phí vận hành hệ thống xử lý nước thải

[05/06/2019 08:13]

Công nghệ AFBR có khả năng điều khiển tự động việc cung cấp dưỡng khí, qua đó đảm bảo hiệu quả xử lý tốt đồng thời tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

Sáng tạo từ công nghệ nền

Trước đây, công nghệ FBR (Fixed Bed Reactor) được Công ty Môi trường Tầm Nhìn Xanh (GREE) được ứng dụng để xử lý các chất hữu cơ hòa tan có trong nước thải cũng như một số chất vô cơ như H2S, sunfit, ammonia, nitơ. Dựa trên cơ sở hoạt động của vi sinh vật phân hủy chất hữu cơ gây ô nhiễm làm thức ăn để sinh trưởng và phát triển, hệ thống FBR áp dụng tích hợp cả 3 quá trình sinh học bùn hoạt tính lơ lửng, quá trình tuỳ nghi khử nitơ, phốt pho và quá trình vi sinh vật sinh trưởng ở dạng dính bám trên vật liệu tiếp xúc đặt trong hệ thống.

Công nghệ AFBR (Advance Fixed Bed Reactor) là công nghệ được GREE phát triển từ công nghệ FBR, được bổ sung hệ thống cảm biến DO và hệ thống điều khiển tự động hệ thống cung cấp dưỡng khí giúp điều chỉnh hàm lượng oxy trong nước luôn ở nồng độ tối ưu đem lại hiệu quả xử lý vượt trội đồng thời tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Trong hệ thống AFBR diễn ra quá trình xử lý các chất hữu cơ hòa tan và các chất vô cơ như H2S, NH4, nitơ, phốt pho... dựa trên cơ sở hoạt động của vi sinh vật phân hủy các chất hữu cơ gây ô nhiễm làm nguồn thức ăn để sinh trưởng và phát triển.

Thực tế, trong quá trình vận hành một hệ thống xử lý nước thải, chi phí vận hành đáng kể nhất của là chi phí điện năng và hoá chất tiêu thụ. Hệ thống phân phối khí bọt mịn trong hệ thống AFBR được GREE thiết kế có thể tăng lượng ôxy hoà tan trong nước lên đến 28%. Quá trình thực hiện đạt hiệu quả cao có thể tiết kiệm điện năng tiêu thụ cho hệ thống cung cấp dưỡng khí khoảng 40%. Hơn nữa, AFBR có thể giảm thiểu việc sử dụng hoá chất bằng cách tăng nồng độ MLSS của các chủng vi sinh nuôi cấy.

“Tuy hệ thống AFBR đòi hỏi được cung cấp đúng chủng vi sinh trong quá trình nuôi cấy ban đầu và vận hành, nhưng do hệ vi sinh cộng sinh đem lại hiệu quả xử lý tốt, giảm được 30% thể tích so với các công nghệ xử lý nước thải hiện có, qua đó giảm chi phí đầu tư ban đầu.” – đại diện GREE khẳng định.

Dựa trên quá trình phân hủy các chất hữu cơ nhờ vi sinh vật (gọi là quá trình oxy hóa sinh hóa, tốc độ quá trình oxy hóa sinh hóa trong hệ thống AFBR phụ thuộc vào nồng độ chất hữu cơ, hàm lượng các tạp chất và mức độ ổn định của lưu lượng nước thải vào hệ thống xử lý. Ở mỗi điều kiện xử lý nhất định, các yếu tố chính ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng sinh hóa là chế độ thủy động, hàm lượng oxy trong nước thải, nhiệt độ, pH, dinh dưỡng và nguyên tố vi lượng.

Ứng dụng đa dạng trong thực tiễn

Không chỉ hỗ trợ xử lý nước thải cao ốc, khách sạn resort và chung cư nhằm tiết kiệm diện tích xây dựng và giảm chi phí vận hành hệ thống, hệ thống AFBR còn kết hợp được với công nghệ ABNR (Advance Biological Nutrient Removal) để xử lý nước thải ngành thực phẩm có hàm lượng hữu cơ cao. Thực tế, GREE đã triển khai thành công hệ thống xử lý nước thải AFBR kết hợp công nghệ ABNR công suất 500m3/ngày cho nhà máy chế biến thủy sản Lenger Seafood.

Việc loại bỏ nitơ và phốt pho theo phương pháp sinh học bằng công nghệ AFBR sẽ mang lại hiệu quả xử lý cao đồng thời tiết kiệm chi phí vận hành. Các công trình xử lý dùng công nghệ AFBR cũng gọn nhẹ và dễ hợp khối, mở ra triển vọng ứng dụng rộng rãi, đặc biệt là đối với các công trình xử lý trong dân dụng và công nghiệp tại Việt Nam.

Khi được kết hợp thêm với một số công nghệ hoá lý, hệ thống AFBR đủ sức xử lý tốt nước thải cho các khu công nghiệp hoặc khu du lịch, qua đó giúp giảm chi phí vận hành và nâng cao mức độ hiệu quả. Bởi lẽ, hệ thống cũ FBR từng được GREE triển khai lắp đặt và sử dụng tại nhiều nơi như Khu cao ốc chung cư Cao cấp 4S Riverside Garden (TP.HCM), Khu biệt thự cao cấp Mũi Né Domain (Bình Thuận), Khu đô thị An Phú An Khánh (TP.HCM), Khu Công Nghiệp Định Quán (Đồng Nai).

www.khampha.vn (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài