SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Vi ghép bưởi năm roi (Citrus grandis cv. ‘nam roi’) trong điều kiện in vivo

[06/04/2024 11:59]

Nghiên cứu do các tác giả Lê Minh Lý, Hồ Thị Ngọc Thảo, Nguyễn Thị Phương Mai - Trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm xác định giống và tuổi gốc ghép, kích thước chồi ghép và nồng độ NAA phù hợp cho vi ghép bưởi Năm roi trong điều kiện in vivo.

Bưởi năm roi là giống bưởi nổi tiếng ở Việt Nam, diện tích và sản lượng tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bưởi năm roi được biết đến là đặc sản của tỉnh Vĩnh Long, với  sản lượng 32.000 tấn bưởi mỗi năm. Thu nhập từ trồng bưởi (Nghi & Trinh,  2020). Nhằm phát triển bền vững, trồng và tiêu thụ trái cây nói chung, trái cây có múi nói riêng (như cam sành, bưởi da xanh và bưởi năm roi) ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần phải khắc phục một số hạn chế như cây giống chất lượng kém, giống không sạch bệnh, sâu bệnh hại diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh greening, vàng lá thối rễ, sâu đục trái. Trên cây có múi, các bệnh gây ra bởi Citrus tristeza virusvà Candidatus Liberibactercó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và sản lượng trái. Các bệnh này lây truyền qua mắt ghép, dụng cụ cắt tỉa và côn trùng vector, đăc biệt rất khó phòng trị bằng các thuốc hóa học. Sử dụng cây giống sạch bệnh virus hoặc các tác nhân tương tự là một trong những biện pháp hữu hiệu để tăng năng suất cây trồng cũng như hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh trong sản xuất cây có múi (Chand et al., 2016).

Vi ghép là kỹ thuật được sử dụng chủ yếu để phục tráng một số cây thân gỗ bị nhiễm  bệnh do virus hoặc các tác nhân giống virus đã được áp dụng thành công trên cam quýt (Abbas et al., 2008; Singh et al., 2008; Juarez et al., 2015). Ở thực vật, tỷ lệ thành công của vi ghép phụ thuộc vào loại gốc ghép (Muthanet al., 2006; Chand et al., 2016), kích thước chồi ghép (Singh et al., 2008; Sanabam et al., 2015), môi trường nuôi cấy và điều  kiện sinh trưởng  của cây sau ghép (Sanabam et al., 2015). Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu sử dụng kỹ thuật vi ghép trong điều kiện invitro đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, trang thiết bị, điều kiện nuôi cấy vô trùng và cần thời gian để thuần dưỡng cây con sau ghép. Trong khi đó, vi ghép có thể thực hiện trong điều kiện invivo (George et al., 2008) và kỹ thuật này có thể khắc phục các trở ngại trên. Le et al. (2020) đã chọn lọc được một  số gốc ghép và vi ghép thành công trên cây quýt (Citrus.  unshiuMarc.) trong điều kiện invivo và phục tráng cây bưởi sạch bệnh Tristeza từ cây mẹ nhiễm bệnh. Ngoài ra, kết  quả nghiên cứu của Balliu and Sallaku (2017) cho thấy mặt cắt của gốc ghép được ngâm Indole acetic acid (IAA) hoặc Indole butyric acid (IBA) ở nồng độ10-20 mg/L trong vài giây trước khi ghép có thể làm tăng tỷ lệ sống và sinh trưởng của cây dưa sau khi ghép. Le (2019) đã ghi nhận được tiền  xử lý α-Naphthaleneacetic acid(NAA) 0,2 mg/L và 0,4 mg/L vào vết cắt gốc ghép cho tỷ lệ thành công khi ghép từ 8% và 13% khi vi ghép chồi quýt (C. unshiuMarc.) có 2 lá sơ khởi trong khi tất cả các chồi ghép đều chết khi không bổ sung NAA.

Thí nghiệm được thực hiện từ tháng 7 năm 2021 đến tháng 7 năm 2022 tại phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và nhà lưới Khoa Sinh Lý – Sinh Hóa, Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Hạt bưởi lông, cam sành, cam mật, chanh và hạnh được thu từ những trái đã đủ độ chín sinh lý để gieo làm gốc ghép. Sau khi lột vỏ cứng và vỏ lụa hạt được gieo ngay vào khay nhựa có lót giấy ẩm và đặt dưới đèn phòng thí nghiệm. Hạt sau nảy mầm, chọn những hạt có rễ dài khoảng 1,5cm trồng vào ly nhựa (5,5 x 5,8cm) có chứa giá thể là đất sạch Tribat và bắt đầu tính ngày tuổi của gốc ghép. Cây con được tưới nước 1-2 ngày/lần bằng bình phun trước khi ghép, cây SKG được tưới trực tiếp vào giá thể. Chồi ghép được sử dụng trong thí nghiệm được phân lập lập dưới kính hiển vi soi nổi Meiji bằng dao phẫu thuật mũi nhọn từ chồi ngọn và chồi bên bưởi Năm Roi (chồi  non khoảng 4-5 lá từ ngọn xuống). Chồi được thu lúc sáng sớm hoặc chiều mát, cắt bỏ lá và cho ngay vào túi nylon có lót giấy ướt để giữ ẩm, mẫu ghép được sử dụng ngay hoặc bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh 1-2 ngày. Cây con được sử dụng làm gốc ghép và cây sau ghép được đặt trong điều kiện phòng thí nghiệm với  nhiệt độ 25-300C, cường độ ánh sáng khoảng 300 lux, ẩm độ 63-70%.

Qua thời gian thực hiện, kết quả cho thấy TLS của chồi bưởi Năm roi ghép trên gốc cam Mật, bưởi Lông, cam Sành, Hạnh, Chanh ở 7, 11 và 15 ngày tuổi đều thấp; gốc ghép 7 và 11 ngày tuổi (lõi chưa hóa gỗ) thích hợp cho vi ghép. Tiền xử lý một giọt nước cất vào mặt cắt ngang gốc cam Mật-11 và 7 ngày tuổi trước khi đặt chồi ghép cho TLS là 16,7 và 10% cao hơn so các gốc ghép khác cũng như so với tiền xử lý NAA 0,2 và 0,4 mg/L; Với kỹ thuật đặt chồi vào góc vết cắt chữ L trên gốc ghép, TLS của chồi 4 lá sơ khởi ghép gốc cam Mật-11 ngày tuổi và chồi 2 lá sơ khởi ghép gốc cam Mật-7 ngày tuổi đạt 20 và 13,3%.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, số 1B (2023) (nthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài