SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia: điểm tựa cho các nhà khoa học

[02/08/2012 17:03]

Trải qua 4 năm hoạt động, Quỹ KH&CN Quốc gia đã và đang đi đúng hướng, tạo điều kiện cho các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp chất xám vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.

Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia đã trở thành điểm tựa cho các nhà khoa học nghiên cứu

Một bước đột phá

Theo GS.TS Phạm Hùng Việt, Trung tâm nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững, trường Đại học khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), hơn 30 năm làm nghiên cứu khoa học, ông chưa bao giờ xin được một tài trợ nào vượt quá 150 triệu đồng cho một đề tài, dự án. Thế nhưng, kể từ khi Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia được thành lập, mọi sự đã thay đổi rất nhiều. “Tôi thấy quỹ thật sự là một sự đột phá và có thể gọi là một cuộc cách mạng trong việc đánh giá và hỗ trợ kinh phí cho hoạt động khoa học. Quỹ đã đưa ra các tiêu chuẩn theo chuẩn mực quốc tế, đưa tiêu chuẩn công bố quốc tế vào để đánh giá nghiệm thu đề tài và đó thực sự là bước thay đổi và chúng ta đã nhìn thấy rõ bằng kết quả bằng số lượng hơn 500 bài báo quốc tế ISI trong 3 năm qua” GS Việt nói.

TS Phạm Văn Hùng, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) chia sẻ, các nhà khoa học rất muốn công hiến kiến thức chuyên môn, hiểu biết, phát triển các ý tưởng mới cho nền khoa học nước nhà. Nhưng để làm được điều đó, các nhà khoa học cần có sự ủng hộ và công cụ để làm việc, đó là các phòng thí nghiệm, thiết bị thực hành và mức lương thỏa đáng.

Theo TS Hùng, mục tiêu của trường Đại học Quốc tế là khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học thông qua việc công bố trên các tạp chí quốc tế ISI.  Nhiệm vụ của mỗi giảng viên ở trường là một năm phải có 1 bài báo ISI. Sự ra đời của Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia đã tạo ra một bước ngoặt lớn đối với sự phát triển khoa học công nghệ Việt Nam, các nhà khoa học đã có một nhà tài trợ mạnh cho các nghiên cứu của mình. Sản phẩm mà quỹ tạo ra đã được thế giới biết đến thông qua các bài báo quốc tế ISI mà các nhà khoa học được tài trợ đăng trong những năm vừa qua. “Với việc nhân được tài trợ của quỹ Nafosted, mà sản phẩm chúng tôi đăng ký là ít nhất 2 bài báo ISI trong 2 năm thì chúng tôi đã có nguốn kinh phí đề hoàn thành nhiệm vụ của quỹ và nhiệm vụ của trường” TS Hùng cho hay.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted), cho biết, trước khi quỹ thành lập, trong khoảng thời gian 3 năm có hơn 1000 đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên nhưng số bài báo công bố quốc tế ISI rất hạn chế chỉ chưa tới 200 bài báo. Từ khi có quỹ, cũng trong 3 năm hoạt động cũng với khoảng 1000 hồ sơ, quỹ đã tài trợ 223 đề tài và đã có 129 đề tài (chiếm 58 %) đã đủ điều kiện đánh giá còn 42% đề tài chưa được đánh giá do nhiều lý do khác nhau. Nhưng chỉ tính số đề tài đã được đánh giá tức là 129 đề tài đó đã có 547 bài báo quốc tế ISI. Nếu chia bình quân cho mỗi đề tài được xét có khoảng 4,2 bài báo ISI/đề tài, kể cả nếu chia cho tất cả đề tài được tài trợ (223 đề tài) cũng đạt 2,5 bài báo ISI/đề tài.

Cần có quỹ riêng cho nhà khoa học trẻ

Theo nhận định của các nhà khoa học, hiện nay trên thế giới có rất nhiều các quỹ dành riêng cho các tiến sĩ mới ra trường. Qua việc nhận được các học bổng này, các tiến sĩ sẽ dần dần phát triển được hướng nghiên cứu của mình một cách độc lập vì các tiến sĩ trẻ bắt buộc phải viết đề cương, làm các nghiên cứu độc lập và viết bài công bố quốc tế chứ không còn nhận được sự hướng dẫn đầy đủ từ các giáo sư như khi còn làm nghiên cứu sinh. Từ đó, các học viên sẽ tự thân trên con đường nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có quỹ dạng này. TS Nguyễn Văn Hùng đề xuất, Hội đồng quản lý Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia nên xem xét cấp học bổng riêng cho các tiến sĩ trẻ đặc biệt là các tiến sĩ được đào tạo trong nước vì thực tế số lượng các tiến sĩ được đào tạo trong nước có bài báo ISI là rất thấp, có không ít tiến sĩ không có bài báo ISI nào. “Nếu có nguồn tài trợ này sẽ khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để các tiến sĩ làm nghiên cứu và có sản phẩm là các bài báo ISI. Với sự tài trợ mới của quỹ, tôi hy vọng trong tương lai kết quả của các đề tài không chỉ là các công bố trên các tạp chí quốc tế ISI mà có thể là những phát minh do chính các nhà khoa học Việt Nam tạo ra” TS Hùng nhận định.

Đồng tình với TS Hùng, GS.TS Đào Tiến Khoa, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cho rằng, việc quỹ có hỗ trợ riêng cho các tiến sĩ mới là rất cần thiết. GS Khoa cho biết, ông trưởng thành hơn rất nhiều từ các tài trợ tiến sĩ của nước ngoài. Tại sao, Việt Nam lại không có tài trợ này để thu hút các tiến sĩ của nước ngoài đến làm việc cho Việt Nam. Nên có tài trợ riêng cho các tiến sĩ không phân biệt quốc tịch trong hay ngoài nước nhưng quan trọng là làm việc tại Việt Nam và phục vụ cho sự phát triển nền KH&CN Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia cho biết, có thể nói trong thời gian, Bộ KH&CN cùng với Hội đồng quản lý quỹ và các Hội đồng khoa học ngành đã hết sức cố gắng để làm sao xây dựng được một mô hình mới trong quản lý hoạt động KH&CN. Các nhà khoa học tiếp tục đề xuất, đóng góp ý kiến để Ban quản lý quỹ xem xét, bổ sung hoàn thiện, từng bước loại bỏ các bất cập còn tồn đọng nhằm đưa quỹ ngày càng tốt hơn, thực sự trở thành điểm tựa cho các nhà khoa học.

Theo http://truyenthongkhoahoc.vn (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài