SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Người Việt ở nước ngoài có nhiều bài đăng tạp chí quốc tế

[29/12/2012 11:51]

Môi trường nghiên cứu ở Việt Nam khác xa so với các nước phát triển, vì thế con người làm việc tại môi trường trong nước khó có kết quả tốt để đăng trên tạp chí quốc tế.

Trong diễn đàn nói về chủ đề "Tại sao người Việt Nam trong nước lại ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài", tiến sĩ Trần Văn Đô, cán bộ nghiên cứu tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, hiện đang làm tại Viện nghiên cứu Lâm nghiệp và Lâm sản Nhật Bản theo chương trình sau tiến sĩ cho rằng nguyên nhân là ở môi trường làm việc.

"Khi người Việt Nam làm việc ở nước ngoài, họ có khá nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí có tiếng thế giới. Theo một nghiên cứu năm 2011, Việt Nam xếp thứ 67 trên 238 nuớc/vùng lãnh thổ về số sách, báo xuất bản trong năm.

Nếu tính đầu người so với Mỹ hay Nhật Bản, Việt Nam ít hơn nhiều, còn khi so sánh với các nước đang phát triển khác, thì nước ta ở vị trí cao hơn nhiều. Tuy nhiên, các bài báo xuất bản trên các tạp chí nước ngoài chủ yếu là do những người mang quốc tịch Việt Nam đang làm việc trên các nước thế giới viết. Khi chính họ về Việt Nam công tác thì lại chẳng có bài báo nào đăng trên tạp chí quốc tế nữa.

Vậy vấn đề ở đâu?

Thứ nhất, môi trường nghiên cứu ở nước ta khác xa các nước phát triển, vì vậy con người làm việc tại môi trường Việt Nam không đạt kết quả tốt để đăng báo nước ngoài.

Thứ hai, đó là bởi, kinh phí của chúng ta hạn hẹp, ít tập trung vào nghiên cứu cơ bản - lĩnh vực mà hầu hết các tạp chí uy tín thế giới chấp nhận bài để đăng.

Thứ ba, khoa học của Việt Nam là cơ chế xin/cho. Muốn làm gì phải có đề cương, qua nhiều cửa khác nhau mới có kinh phí. Đến khi có kinh phí rồi, khoản dành cho công trình nghiên cứu rất nhỏ. Như vậy rất khó để có công trình chất lượng đăng báo.

Thứ tư, để đăng một bài báo trên tạp chí thế giới rất khó. Trong khi, nếu ai đó có nghiên cứu được đăng thì cũng chẳng đem lại tiếng tăm, lợi ích gì cho họ đối với vai trò khoa học trong nước. Ví dụ khi một bài báo trên tạp chí quốc tế, nếu tính điểm để phong phó giáo sư hay giáo sư thì cũng chỉ được tính gấp đôi một bài báo đăng trong nước (lẽ tất nhiên là quá thấp, vì theo tôi công sức thực bỏ ra đăng một bài trên tạp chí quốc tế phải bằng nhiều lần đăng một bài trong nước).

Bên cạnh đó, người có công trình đăng trên tạp chí quốc tế cũng không được đãi ngộ gì khác. Ví dụ tại Nhật, đơn vị tôi đang công tác, một cán bộ đăng bài với hệ số ảnh hưởng (Impact Factor) > 3 sẽ được nghỉ phép 10 ngày kèm theo phần thưởng là 30% lương của một tháng. Hay ví dụ khác, chỉ người nào có ba công trình trên tạp chí thế giới mới được nộp hồ sơ xin dự án từ một số quỹ nhất định.

Theo tôi đây cũng là tình trạng chung tồn tại đối với nhiều nước có nền kinh tế đang phát triển. Tôi tin chắc rằng trong thời gian tới, cùng với nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn thể nhân dân thì những người làm khoa học sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa vào phát triển đất nước. Không những vậy, thông qua công trình nghiên cứu chất lượng cao của người Việt Nam đăng trên các tạp chí thế giới, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng sẽ được nâng lên đáng kể.

Theo http://vnexpress.net (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài