SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thành tựu khoa học - công nghệ và vai trò của truyền thông

[20/01/2013 09:34]

Hoạt động truyền thông khoa học và công nghệ (KHCN) có vai trò vô cùng quan trọng: giúp chuyển tải các chủ trương định hướng phát triển KHCN, các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KHCN, nâng cao kiến thức về KHCN cho người dân... từ đó góp phần thúc đẩy nền KHCN nước nhà phát triển...

Vai trò quan trọng

KHCN đã và đang được coi là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển nền kinh tế, xã hội. Đảng và Nhà nước đã xác định mục tiêu đến 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây sẽ là mục tiêu khó khăn nếu như Việt Nam không có những quyết sách lớn về KHCN.

Trong thời gian qua, chúng ta đã có được hàng loạt các kết quả trong nghiên cứu đã được ứng dụng trong cuộc sống, môi trường pháp lý trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ngày càng được hoàn thiện phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội, những đóng góp của KHCN vào sự phát triển kinh tế - xã hội đang ngày càng rõ nét.

Khoa học cơ bản được tăng cường đầu tư trong một số lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng. Từ đó, đã hình thành 39 nhóm nghiên cứu cơ bản mạnh; số lượng bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế tăng trung bình 18%/năm, tập trung nhiều ở các lĩnh vực toán học, vật lý, khoa học vật liệu, sinh học phân tử, miễn dịch học - bệnh truyền nhiễm, y học nhiệt đới. Lĩnh vực nghiên cứu toán học, vật lý đã vươn lên vị trí thứ hai và thứ ba trong khu vực ASEAN.

Trong công nghiệp, ngành cơ khí chế tạo đã làm chủ được thiết kế và công nghệ chế tạo các thiết bị siêu trường, siêu trọng phục vụ thi công xây dựng nhà máy thủy điện công suất lớn, đặc biệt là công trình thủy điện Sơn La; thiết kế và chế tạo đồng bộ thiết bị của các nhà máy xi măng công suất lớn; thiết bị cẩu trục chân đế 180 tấn sử dụng cho các nhà máy đóng tàu, bến cảng, khai khoáng...

Về nông nghiệp và thủy sản, việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN đã đóng góp tới 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp. Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo được hơn 142 giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao; chọn tạo và tuyển chọn được gần 100 giống lúa mới, đưa năng suất lúa đạt trên 52,3 tạ/ha năm 2010, đứng đầu Đông Nam Á.

Trong y dược, lần đầu tiên ghép tim thành công trên người, ghép gan, thận từ người cho chết não. Trong nghiên cứu tế bào gốc, đã làm chủ được quy trình phân lập, bảo quản tế bào gốc từ tủy xương, máu ngoại vi, vùng rìa giác mạc... Trong ngành dược, đã nghiên cứu, sản xuất thành công 10 loại vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, vaccine Rota phòng bệnh tiêu chảy đạt tiêu chuẩn quốc tế... Bên cạnh đó, môi trường pháp lý về KHCN ngày càng được hoàn thiện với các đạo luật chuyên ngành cơ bản và hệ thống các văn bản dưới luật đồng bộ.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, trong kết quả chung đó bên cạnh sự đóng góp các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp thì lực lượng báo chí viết về KHCN có vai trò hết sức quan trọng.

Lần đầu tiên có Giải báo chí về KHCN

Nhằm nâng cao nhận thức và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về khoa học và công nghệ, bắt đầu từ năm 2012, Bộ KH-CN đã tổ chức giải thưởng báo chí KHCN. Giải thưởng ngoài việc quy tụ phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí, tìm ra những tác giả xuất sắc, những bài báo tiêu biểu trong việc tuyên truyền hiệu quả nhất để trao giải thưởng còn tạo động lực nhằm khuyến khích các phóng viên, cơ quan báo chí tích cực tham gia tuyên truyền về khoa học và công nghệ để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của khoa học và công nghệ trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Lực lượng phóng viên viết về KHCN chính là cầu nối để đưa các chủ trương chính sách lớn của đảng và nhà nước về KHCN, các thành tựu KHCN vào cuộc sống. Đồng thời chính các nhà báo viết về KHCN là kênh tiếp nhận và phản ánh những vấn đề còn bất cập trong hoạt động KHCN từ cơ sở để kiến nghị các cơ quan nhà nước kịp thời ban hành các chính sách cho phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, năm 2012 là năm ghi nhận nhiều quyết sách có tính quyết định đến hoạt động KHCN được ban hành như: Nghị quyết TW6 khóa XI về Phát triển KHCN phục vụ CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Chiến lược Phát triển KHCN cho giai đoạn từ nay đến năm 2020 và việc hoàn thành Dự thảo Luật KHCN trình Quốc hội cho ý kiến. Đây là những chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển KHCN. Bên cạnh đó, nhiều kết quả hoạt động KHCN trong năm 2012 đã được ứng dụng thành công trong sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, Giải thưởng báo chí chuyên ngành lần đầu tiên dành cho các cây bút về KHCN thực sự rất có ý nghĩa.

Sau một năm phát động, ngày 17.1 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KHCN, Bộ KH-CN và Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) đã phối hợp thực hiện thành công Lễ trao giải báo chí về KHCN năm 2012. Kết quả 21 tác phẩm và nhóm tác phẩm thuộc 4 loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình đã được vinh danh tại Lễ trao giải.

Theo ông Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ KH-CN, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng, việc tổ chức Giải báo chí viết về KH-CN nhằm để bạn đọc, nhân dân và những người quan tâm đến KHCN hiểu rõ hơn về vai trò của KHCN trong đời sống, thấu hiểu những thuận lợi cũng như hạn chế, khó khăn của các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu khoa học nước nhà. Trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI về phát triển KHCN.

http://www.daibieunhandan.vn (nhoanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài