SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giám sát chặt chẽ máy móc, thiết bị, công nghệ nhập khẩu

[07/04/2013 08:04]

Ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, Bộ đã có cảnh báo tới các bộ, ngành, doanh nghiệp cần giám sát chặt chẽ máy móc, thiết bị, công nghệ, nhập khẩu thuộc bộ, ngành mình quản lý.

Ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá,

thẩm định và giám định công nghệ. Ảnh: N. Nam

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc đã công bố loại bỏ các nhà máy, công nghệ, thiết bị cũ lạc hậu, kém hiệu quả, tiêu hao nhiều năng lượng, ảnh hưởng tới môi trường. Trao đổi với PV VietQ.vn về thực trạng nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ ở nước ta, ông Đỗ Hoài Nam cho biết:

Bộ KH&CN, đã có cảnh báo tới các bộ, ngành, doanh nghiệp cần giám sát chặt chẽ máy móc, thiết bị, công nghệ, nhập khẩu thuộc bộ, ngành mình quản lý.

Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ mới hoặc đã qua sử dụng thường gắn với từng hoạt động của doanh nghiệp, của một dự án đầu tư cụ thể. Công tác quản lý và cho phép doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị thuộc trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư.

Trong quá trình thẩm tra, xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Theo quy định nói trên, về lĩnh vực quản lý KH&CN, cần phải có ý kiến của Bộ KH&CN nếu là dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án còn lại cần phải lấy ý kiến của sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi dự kiến triển khai dự án.

Mặc dù vậy, thực tế vẫn diễn ra, không ít chủ đầu tư gửi hồ sơ dự án để thẩm định, phần thuyết minh sơ sài, không chú trọng phần thuyết minh về công nghệ nên bản thân Bộ KH&CN và các Sở KH&CN các địa phương cũng không đủ thông tin để xem xét, thẩm định.

Có nhiều trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư không tuân thủ trình tự thẩm tra hồ sơ dự án, nhiều hồ sơ dự án đầu tư không được gửi tới Bộ KH&CN hoặc Sở KH&CN để thẩm định theo đúng trình tự.

Những thực tế nêu trên là một trong các nguyên nhân gây nên sự không kiểm soát được máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng không nhập khẩu theo các dự án đầu tư.

Được biết, Bộ KH&CN vừa đề xuất với Chính phủ cấm nhập máy móc, thiết bị, công nghệ đã qua sử dụng của 18 ngành nghề. Cụ thể thế nào thưa ông?

Thông qua các cơ quan, đại diện KH&CN của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ KH&CN đã có thông tin về việc một số quốc gia đưa ra các cảnh báo và loại bỏ một số nhà máy, công nghệ thiết bị đã lạc hậu, lỗi thời, kém hiệu quả. Đặc biệt, các cảnh báo từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã công bố việc tiến hành loại bỏ 2.255 xí nghiệp có công nghệ lạc hậu, hiệu quả sản xuất thấp.

Xuất phát từ thực tế đó, Bộ KH&CN đã có thông báo tới các bộ ngành, địa phương biết và sớm có phương án khuyến cáo doanh nghiệp, trước khi có văn bản chính thức trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp cấp bách trước mắt và lâu dài nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng nhập khẩu công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả vào nước ta.

Các công nghệ, thiết bị được phía cơ quan chức năng của Trung Quốc cảnh báo thuộc vào 18 ngành nghề, lĩnh vực: sản xuất sắt thép, hợp kim, điện phân nhôm, luyện kẽm, sản xuất kính phẳng, sản xuất giấy, bột ngọt, acidcitric, thuộc da, nhuộm, in, sản xuất sợi hóa học…

Trong bài học thực tế của việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đầu tư sản xuất trong nước, thời gian qua chúng ta đã ghi nhận được những bài học kinh nghiệm đắt giá như việc đầu tư, xây dựng các nhà máy sản xuất mía đường, sản xuất xi măng lò đứng, lắp ráp xe gắn máy… thiết bị và công nghệ của các nhà máy này đều nhập từ Trung Quốc. Hậu quả là hiệu quả sản xuất thấp, tiêu hao nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường, tính cạnh tranh của sản phẩm thấp.

Với các doanh nghiệp khó khăn về vốn, ít có điều kiện đầu tư được công nghệ hiện đại, trong khi đó, công nghệ hiện đại thường giá thành rất cao, mà nhập công nghệ kém sẽ mang nhiều hệ lụy không tốt, làm thế nào hỗ trợ họ giải bài toán này?

Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có số liệu đầy đủ và chính xác để đánh giá được bao nhiêu % công nghệ nước ta hiện có là hiệu quả và bao nhiêu % là kém hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, đa phần các công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả thường được các doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ đầu tư, sử dụng. Các doanh nghiệp đó do năng lực tài chính, nguồn nhân lực yếu kém…chính vì vậy, họ đã đầu tư sử dụng nhiều công nghệ, thiết bị có chi phí thấp và hiệu quả không cao.

Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực KH&CN để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011- 2020, các Chương trình quốc gia liên quan đến KHCN như: Chương trình Đổi mới Công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao... Các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ, thể hiện thông qua các đề án, dự án cụ thể sẽ được Bộ KH&CN xem xét và hỗ trợ để có cơ hội đầu tư.

Ngoài ra, nhà nước cũng đã có những hỗ trợ ưu đãi khác cho doanh nghiệp khi đổi mới và chuyển giao công nghệ, như cho phép doanh nghiệp khấu trừ 10% lợi nhuận trước thuế để hình thành quỹ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp mình; với không ít các dự án còn được ưu đãi, giảm thuế đất, chi phí sử dụng hạ tầng...

Để kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc thiết bị từ nước ngoài một cách hiệu quả, phục vụ đúng nhu cầu của thị trường trong nước, theo ông thời gian tới chúng ta cần có các giải pháp nào?

Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ KH&CN về việc tạm ngừng nhập khẩu những máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng mà các nước loại bỏ do lạc hậu, kém chất lượng và gây ô nhiễm môi trường.

Bộ KH&CN cũng đã đề nghị với Chính phủ đưa nội dung quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ vào dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 12/2006/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Thương mại 2005. Đồng thời nghiên cứu, thực hiện quản lý máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị với Chính phủ quy định về quản lý các máy móc, thiết bị cần nhập khẩu của các dự án đầu tư; quy định chi tiết thuyết minh về nội dung liên quan đến công nghệ mà chủ đầu tư cần giải trình trong hồ sơ dự án đầu tư gửi thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát lại danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung những máy móc, thiết bị, dây chuyển công nghệ cần phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu và kịp thời ban hành các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng để quản lý.

Sắp tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH&CN sẽ thực hiện việc rà soát, đánh giá toàn diện cơ chế quản lý chất lượng đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu so với yêu cầu thực tế. Căn cứ các quy định của luật hiện hành: Luật Thương mại, Đầu tư, Xây dựng, Chất lượng sản phẩm, hàng hóa… để thống nhất với các bộ, ngành liên quan thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý chất lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu. Trong trường hợp vượt thẩm quyền, sẽ có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

Chất lượng Việt Nam Online (ttxthanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài