SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ðầu tư công nghệ đồng bộ cho xử lý chất thải rắn

[10/04/2013 08:43]

Việt Nam đã khẳng định quyết tâm tại Diễn đàn khu vực châu Á lần thứ IV mới đây về giảm bớt, tái sử dụng, tái chế chất thải (3R); nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép 3R nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung vào các chính sách phát triển.

Hội thảo "Công nghệ xử lý và quản lý chất thải rắn" tại Cần Thơ. Ảnh: Hoàng Khánh/TTTL CT

Theo con số thống kê, số lượng rác thải ra hằng ngày là rất lớn nhưng hiện tỷ lệ thu gom chất thải rắn bình quân chỉ đạt khoảng 60%. Gần 20% lượng chất thải rắn đô thị và 45% lượng chất thải rắn ở nông thôn không được thu gom xử lý. Theo dự báo của các Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn phát sinh trong cả nước sẽ lên tới 44 triệu tấn. Ở TP Hồ Chí Minh, đô thị đông dân nhất nước, theo Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN và MT) Nguyễn Trung Việt,thì mỗi ngày TP thải ra khoảng từ 10 nghìn đến 11 nghìn tấn chất thải rắn (không kể các loại bùn thải), trong đó có khoảng 7.500 tấn rác thải sinh hoạt.

Số liệu tại Hội thảo "Công nghệ xử lý và quản lý chất thải rắn" tại Cần Thơ tháng 3-2013 cho thấy, hằng năm, tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) phát sinh hơn 600 nghìn tấn chất thải rắn thông thường và khoảng 47 triệu m3 chất thải rắn công nghiệp, hầu hết đều chưa được quản lý và xử lý triệt để trước khi đưa ra môi trường. Dự báo đến năm 2015, tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh tại các tỉnh, thành phố thuộc ÐBSCL là khoảng5.000 tấn/ngày và sẽ tăng lên đến gần 8.000 tấn/ngày vào năm 2020.

Ðầu tư cho môi trường là lâu dài, cần nguồn vốn lớn, có tầm nhìn chiến lược và tổng thể.Nhu cầu về ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này ngày càng trở nên cấp bách. Nguồn tài chính đa dạng cho quản lý chất thải rắn vẫn tăng hằng năm, nhưng còn rất thiếu và chưa cân đối giữa các lĩnh vực. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, cơ cấu phân bổ ngân sách dành 90% cho hoạt động thu gom và vận chuyển, 10% chi phí cho xử lý và tiêu hủy chất thải.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Cục Quản lý chất thải và cải thiệnmôi trường thuộc Tổng cục Môi trường cho biết:Hiện tại, chất thải rắn ở Việt Nam vẫn chủ yếu được phân loại ở các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ,xử lý theo cách thủ công, không phân loại rác vô cơ, hữu cơ để xử lý theo tiêu chuẩn, gây ô nhiễm rất nặng nề, nhất là các loại chất thải công nghiệp, y tế độc hại. Do vậy, dẫn đến tình trạng: "Trong khoảng 23 nghìn tấn rác sinh hoạt mà cả nước thải ra mỗi ngày, tỷ lệ được tái chế, xử lý thành phân compost chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại là chôn lấp".

Với nguồn kinh phí của Nhà nước và tư nhân huy động cả ở trong và ngoài nước, chúng ta đã xây dựng được một số khu liên hợp xử lý quy mô lớn với công nghệ hiện đại. Ðược đánh giá hiện đại nhấtcả nước hiện nay là Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Ða Phước (TP Hồ Chí Minh) 100% vốn nước ngoài. Song, nghịch lý là lượng rác thải được thành phố cung cấp hằng ngày cho xử lý lại không đủ với khả năng công suất mà được "xé lẻ", phân đều cho nhiều cơ sở dù công nghệ kém hơn.Giám đốc Khu liên hợp Ke-vin Mo-rơ cho biết: "Từ năm 2007 đến nay, chúng tôi vẫn chỉ được TP Hồ Chí Minh giao xử lý 3.000 tấn/ngày theo như hợp đồng cũ, không được bổ sung mặc dù công suất hiện tại có thể xử lý tới 7.000 tấn/ngày". Do lượng rác ít cho nên không phát huy hết công suất của máy móc cũng như đội ngũ nhân viên; việc cho ra các sản phẩm khác như: điện từ khí thải, phân compost... cũng bị đội giá lên cao.

Ðược biết, TP Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục có những dự án xây những khu xử lý mới. Vì thế, một số chuyên gia cho rằng, nên tập trung khai thác hiệu quả các cơ sở sẵn có, tránh đầu tư dàn trải, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả, công nghệ và vệ sinh môi trường.

Các ban, ngành liên quan của TP Hồ Chí Minh thừa nhận, nếu phân loại rác tại nguồn thành công, TP Hồ Chí Minh sẽ tái sử dụngđược khoảng 90-95% khối lượng chất thải rắn, trong đó có khoảng 70% dành để tái sinh năng lượng và sản xuất phân compost, phân vi sinh, giúp giảm đáng kể ô nhiễm do mùi và nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp.

Tuy vậy, từ năm 1999 đến 2012, thành phố đã triển khai ba chương trình phân loại rác tại nguồn nhưng tất cả đều thất bại mặc dù kinh phí bỏ ra không ít. Hà Nội cũng phải bỏ lửng chương trình này dù đã thí điểm ở một số nơi trong nội thành một thời gian. Nguyên nhân thất bại là thiếu đầu tư đồng bộ ở các khâu liên quan, từ thùng rác tại gia đình, phương tiện vận chuyển chuyên biệt đến việc các bãi rác phải xử lý đúng quy định.

Trong năm 2013 này, TP Hồ Chí Minh khẳng định sẽ làm quyết liệt hơn việc phân loại rác tại nguồn. Ngoài các đối tượng doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, siêu thị... đã triển khai, thành phố sẽ mở rộng chương trình trên địa bàn quận 1, quận Bình Thạnh, nếu thành công sẽ nhân rộng ra các địa bàn khác.3R cần phải được thực hiện với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, từ Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư, trong đó quyết tâmcủa Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, 3R cũng cần có sự hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia để được thúc đẩy thực hiện.

nhandan.org.vn (htthanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài