SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả thực hiện dự án “Xây dựng mô hình phát triển cây Chùm ngây (Moringa oleifera) vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang”

[11/04/2013 18:48]

Cây Chùm ngây (Moringa oleifera Lam.) thuộc họ Chùm ngây (Moringaceae) còn có tên gọi khác là cây Độ sinh (Tree of life), cây Kỳ diệu (Miracle tree), cây Cải ngựa,... Cây vừa là nguồn dược liệu vừa là nguồn thực phẩm phong phú và quí hiếm. Lá, hoa, trái, thân, vỏ, rễ của cây chứa chất khoáng, chất đạm, vitamins, beta-carotene, acid amin và nhiều hợp chất khác.

Ngoài khả năng cung cấp chất dinh dưỡng, các bộ phận của cây chùm ngây còn có dược tính phổ rộng, được dùng để điều trị rất nhiều bệnh khác nhau. Theo lương y Nguyễn Công Đức, giảng viên khoa Y học cổ truyền – Trường Đại học Y Dược TP. HCM, Chùm ngây đã được biết đến và dùng nhiều hơn nghìn năm nay ở các nước có nền văn minh cổ như Hy Lạp, Ý, Ấn Độ.

Do có nhiều hữu ích, nên hiện nay đang có chương trình khuyến khích trồng cây Chùm ngây ở 80 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, cây Chùm ngây đã được Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục cây trồng được bảo hộ năm 2009.

Nhằm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, khai thác tiềm năng tài nguyên thiên nhiên của khu vực Bảy Núi, tạo vùng nguyên liệu chuyên canh cây dược liệu góp phần phát triển nông nghiệp và du lịch, Ths. Trần Văn Mì (Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã đăng ký thực hiện dự án “Xây dựng mô hình phát triển cây Chùm ngây (Moringa oleifera) vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang”. Cơ quan chuyển giao công nghệ là Trung tâm Sâm và Dược liệu – Viện Dược liệu – Bộ Y tế. Mục tiêu cụ thể của dựa án là:

1) Xây dựng 03 mô hình trồng cây Chùm ngây tại 03 khu vực Núi Dài và Núi Cô Tô, gắn với HĐ tiêu thụ sản phẩm;

2) Xây dựng 01 vườn ươm cây giống diện tích 3.000 m2 nhằm cung cấp giống cho vùng nguyên liệu tập trung 200 ha chuyên sản xuất cây chùm ngây và hướng tới cung cấp giống nhiều loại cây dược liệu quý cho vùng chuyên canh dược liệu Bảy Núi với quy mô lớn;

3) Tấp huấn và chuyển giao các quy trình nhân giống, sản xuất, thu hoạch và sơ chế dược liệu cho 200 nông dân vùng Bảy Núi.

Sau 3 năm thực hiện (4/2010 – 3/2013), chủ nhiệm dự án và các cộng sự đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, nội dung, cũng như sản phẩm phải đạt theo đề cương phê duyệt, gồm:

Lập phiếu và điều tra khảo sát bổ sung hiện trạng canh tác cây chùm ngây tại 03 khu vực Núi Dài, Núi Cô Tô và Núi Cấm (30 phiếu/khu vực);

Xây dựng 03 mô hình trồng cây chùm ngây quy mô 01 ha/mô hình, mật độ 1.000 cây/ha (trồng xen) theo hướng VietGAP và GACP-WHO, tỷ lệ cây sống ≥ 80%;

Xây dựng 01 mô hình vườn ươm (gồm có nhà lưới 1.000 m2 và vườn ươm 2.000 m2), công suất đạt 133 ngàn cây giống/vụ;

Đào tạo 04 kỹ thuật viên cơ sở (gồm 02 kỹ sư và 02 trung cấp) nắm vững các quy trình nhân giống, trồng, thu hoạch, sơ chế và bảo quản cây chùm ngây, chuyển giao kỹ thuật cho 200 nông dân;

Sản phẩm lá chùm ngây số lượng 1,2 tấn, đạt tiêu chuẩn hàm lượng dinh dưỡng theo thuyết minh;

Thành lập được 10 tổ liên kết sản xuất với tổng diện tích 120 ha, tuy nhiên vấn đề tiêu thụ sản phẩm vẫn đang còn gặp khó khăn.

4.jpg

Dự án đã được Hội đồng KH&CN cấp tỉnh thống nhất đánh giá nghiệm thu xếp loại “Đạt” vào ngày 02/4/2013. Đây là 01 trong 07 dự án thuộc Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi” đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh An Giang từ năm 2010 trở lại đây./.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang (nthieu)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài