SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Triển vọng trong chuyển giao công nghệ từ các cơ sở nghiên cứu cho doanh nghiệp

[21/08/2013 10:51]

Hoạt động trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ được tổ chức thường niên nhằm mục đích thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương. Đây cũng là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác…

Các doanh nghiệp sẽ có điều kiện tiếp cận với công nghệ nội sinh

Bên lề hoạt động Trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ vùng đồng bằng sông Hồng 2013 được tổ chức tại Thái Bình mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN  Nguyễn Quân đã có cuộc trao đổi với PV xoay quanh vấn đề này.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ nội sinh

- Xin Bộ trưởng cho biết kết quả hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ do Bộ KH&CN  tổ chức trong thời gian qua tại các địa phương?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có thể nói hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ cũng là một phiên bản của Chợ công nghệ (Techmart) nhưng được tổ chức một cách thiết thực hơn, đối tượng thu hẹp hơn. Đối với kết nối cung - cầu công nghệ hai lực lượng được huy động chính ở đây là nhà khoa học và doanh nghiệp và có vai trò của cơ quan quản lý nhà nước kết nối họ.

“Trình diễn, kết nối cung – cầu công nghệ khu vực đồng bằng sông Hồng” là sự kiện thứ ba về kết nối cung - cầu sau hai sự kiện đã được tổ chức ở hai địa phương khác. Thông qua sự kiện này các doanh nghiệp đã tìm được công nghệ của Việt Nam, sản phẩm của các nhà khoa học Việt Nam để có thể chuyển giao và ứng dụng cho sản xuất kinh doanh của mình. Đồng thời, rất nhiều viện nghiên cứu, trường đại học cũng đã tìm được địa chỉ đưa sản phẩm của họ vào thương mại hóa. Hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu có thể nhìn thấy rất rõ.

- Vậy, đâu là những khó khăn, vướng mắc trong trong quá trình triển khai các hoạt động kết nối cung cầu thời gian qua, thưa Bộ trưởng?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Khó khăn đầu tiên là vấn đề kinh phí để tổ chức những sự kiện. Chúng tôi đã có Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và giao cho Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ làm đầu mối. Nhờ nguồn kinh phí của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia cũng như nỗ lực của một số viện, trường, doanh nghiệp, chúng tôi mới tổ chức được những sự kiện như thế này.

Khó khăn thứ hai là khoảng cách về địa lý, Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố trải dài từ Bắc tới Nam nên tổ chức ở khu vực nào cũng đều khó khăn cho đơn vị ở xa.

Thứ ba là do quy mô nhỏ nên phải hạn chế đối tượng. Chỉ những doanh nghiệp KH&CN hoặc các doanh nghiệp có năng lực nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ mới được mời tham gia. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp dù có nhu cầu rất lớn nhưng vẫn không thể tham gia. Do vậy, song song với sự kiện kết nối cung cầu, Bộ vẫn chủ trương đẩy mạnh các hoạt động khác như Techmart, các sàn giao dịch công nghệ của địa phương và Trung ương để tất cả các doanh nghiệp đều có điều kiện tiếp cận với công nghệ nội sinh. Qua đó, các doanh nghiệp có thể liên hệ với các nhà khoa học, nhận chuyển giao công nghệ vào sản xuất…

Giải pháp thúc đẩy kết nối cung – cầu công nghệ

- Để thúc đẩy hoạt động kết nối cung cầu, trong thời gian tới Bộ Khoa học và công nghệ sẽ đưa ra những giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về Phát triển thị trường công nghệ và đang chờ phê duyệt. Đồng thời vừa qua, trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng như Luật Khoa học và Công nghệ vừa được Quốc hội thông qua đã có những điều khoản quan trọng về phát triển thị trường công nghệ.

Trong đó, ngoài việc phải nuôi dưỡng nguồn cung bao gồm cả nguồn cung nội địa và nguồn cung nhập khẩu, tức là các kết quả nghiên cứu, các sáng chế, các bí quyết công nghệ và thông qua việc hỗ trợ của nhà nước cho các tổ chức khoa học công nghệ, các viện, trường đại học nghiên cứu và kể cả nhập khẩu công nghệ, mua bí quyết công nghệ, mua thiết kế của nước ngoài thì cũng phải nuôi dưỡng cả định chế trung gian.

Hiện nay, các tổ chức định chế trung gian, tức là các tổ chức làm nhiệm vụ môi giới và dịch vụ trong thị trường công nghệ để kết nối giữa nguồn cung và cầu ở  nước ta gần như chưa có và rất yếu kém nên không giúp được các doanh nghiệp trong việc định giá, giám định các kết quả nghiên cứu, khả năng thương mại hóa, cũng như không giúp được các nhà khoa học thương mại hóa kết quả nghiên cứu thông qua các sự vụ kiểm định, môi giới, đánh giá, định giá. Chính vì vậy các nhà khoa học chưa thuyết phục được doanh nghiệp về khả năng thương mại hóa cũng như hiệu quả sử dụng kết quả nghiên cứu trong sản xuất kinh doanh. Ngược lại, các doanh nghiệp chưa đủ lòng tin vào các sản phẩm của nhà khoa học…

Nếu hình thành được các tổ chức trung gian như vậy sẽ giúp nguồn cung, nguồn cầu đến với nhau, tin tưởng nhau để triển khai tốt hơn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước phải nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp và hỗ trợ để họ tìm kiếm được công nghệ, đổi mới công nghệ tạo ra sự đổi mới cho chính họ. Tất cả những việc đó cần phải tiến hành một cách đồng bộ. Cơ quan quản lý nhà nước như Bộ KH&CN, các Sở KH&CN, cơ quan sự nghiệp của nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học đều phải tham gia tích cực vào thị trường công nghệ.

Hop dong se duoc thuc hien nhieu hon.JPG

Tỷ lệ hợp đồng được ký kết trong hoạt động trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ sẽ được thực hiện nhiều hơn

- Bộ KH&CN đã có những giải pháp nào nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ,  thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Bộ KH&CN đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kết nối cung cầu. Riêng về mặt tài chính, ngay từ năm 1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định 119/1999/NĐ-CP để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trong đó quy định ngân sách Nhà nước có thể hỗ trợ tới 30% tổng kinh phí đầu tư một dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của Chính phủ lúc đó hỗ trợ cho Chương trình này còn hạn chế, cho nên mới chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp tiếp cận được và có kết quả thành công. Tại sự kiện kết nối cung cầu năm nay, có nhiều doanh nghiệp đã có những thành công ban đầu từ các dự án của Nghị định 119.

Sau này, Chính phủ cho phép Bộ KH&CN thành lập một Chương trình quốc gia về đổi mới công nghệ và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ, dự kiến năm 2014 sẽ đi vào hoạt động.

Như vậy, với cơ chế của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và với nguồn hỗ trợ rất lớn từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia chắc chắn sẽ có một số lượng lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp KH&CN có thể tiếp cận được với sự hỗ trợ của Chính phủ với mức hỗ trợ rất cao, thậm chí có những dự án được tài trợ gần như 100% kinh phí… Đồng thời, Nhà nước có thể bảo lãnh cho các doanh nghiệp khi tham gia Chương trình được vay vốn từ Ngân hàng phát triển Việt Nam thậm chí có thể bảo lãnh vay vốn từ ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp có nguồn lực đủ lớn. Ngoài ra, Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở nghiên cứu là nguồn cung của thị trường công nghệ với cơ chế chính sách mới như tài chính, cơ chế thuận lợi hơn, nội dung chi được bổ sung, định mức chi được nâng cao và thủ tục thanh toán các nhiệm vụ KH&CN thông thoáng hơn. Với hệ thống đồng bộ các cơ chế chính sách như vậy thì việc chuyển giao công nghệ từ các cơ sở nghiên cứu cho doanh nghiệp sẽ tốt hơn nhiều.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
truyenthongkhoahoc.vn (htthanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài