SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Công trình bảo vệ bờ biển khu vực ĐBSCL: Giải pháp Vật liệu mới – Công nghệ mới

[26/11/2013 10:18]

Nước biển dâng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với sự khai thác quá mức ở thượng nguồn và ven biển ĐBSCL thông qua các công trình xây dựng hồ chứa đã làm cho diễn biến xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng hơn. Vấn đề đặt ra đó là cần phải đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình kè biển để chống xói lở.

Ảnh minh họa (Nguồn: Viện Kỹ thuật Biển)

Bài viết của ThS. Lê Văn Tuấn - Viện Kỹ thuật Biển được đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi đã đề xuất một số giải pháp vật liệu mới – công nghệ mới (VLM-CNM) nhằm hỗ trợ cho các nhà quản lý, tư vấn và cán bộ khoa học có thêm những thông tin trong việc lựa chọn giải pháp cho công trình bảo vệ bờ biển hiệu quả, phù hợp điều kiện tự nhiên khu vực ĐBSCL như: độ cao sóng biển không quá lớn, bãi biển rộng và nông, khu vực ít xảy ra các cơn bão mạnh, nền móng địa chất mềm yếu, nồng độ phù sa lớn.

Một số giải pháp VLM - CNM được tác giả đề xuất gồm:

- Cấu kiện Hydroblock: là các khối bê tông hình trụ có chiều cao lớn hơn vài lần bề rộng. Đây là loại cấu kiện mới được các nhà khoa học về chỉnh trị sông biển Hà Lan nghiên cứu và đang áp dụng tại một số nước trên thế giới;

- Cấu kiện P.Đ.TAC-CM5874: là bê tông mác cao đúc sắc, hình khối tương tự “viên kẹo”, hoạt động dựa trên nguyên lý ngàm âm dương liên kết theo hai chiều kết hợp khả năng tự khóa biên trên dưới. Là dạng cấu kiện mới được TS. Phan Đức Tác phát triển để đáp ứng yêu cầu cung cấp giải pháp dạng kè bảo vệ bờ kết hợp du lịch; 

- Cấu kiện BTCT đúc sẵn mới T249 tự chèn ba chiều có khả năng ngàm khóa biên trên dưới tạo mảng mềm phục vụ gia cố mái kè chống xói lở. Cấu kiện T249 do ThS. Lê Văn Tuấn – Viện Kỹ thuật Biển phát triển;

- Cấu kiện chân khay kè đúc sẵn dạng ống phuy lục lăng: do GS. Nguyễn Văn Mạo và ctv., cải tiến từ ống phuy hình trụ tròn thành ống phuy có mặt trong hình tròn, mặt ngoài lăng trụ;

- Công nghệ Stabiplage: là giải pháp ứng dụng vật liệu vải địa kỹ thuật dạng đặc biệt với cường độ cao.

Mỗi loại VLM-CNM đều có nguyên lý hoạt động, ưu nhược điểm và điều kiện ứng dụng khác nhau, do đó khi áp dụng thực tế cần lựa chọn giải pháp phù hợp nhằm phát huy tối đa các ưu điểm, hạn chế nhược điểm để nâng cao hiệu quả sử dụng. Cấu kiện mới T249, P.Đ.TAC-CM5874, Hydroblock thích hợp cho mái kè biển (hoặc đê giảm sóng) kiên cố đối với khu vực có điều kiện sóng lớn, dòng chảy mạnh, nền lún. Ống phuy BTCT với đá hộ chèn chặt là giải pháp cho bảo vệ chân kè biển. Công nghệ Stabiplage phù hợp cho dạng kè mềm tạo bãi thân thiện với môi trường.

Để đạt được hiệu quả khi ứng dụng VLM - CNM vào công trình cần phải thấu hiểu nguyên lý, làm chủ công nghệ sản xuất, trình tự lắp đặt, đảm bảo chất lượng vật liệu theo quy định.  Bên cạnh đó, tác giả đã đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu thêm về cấu kiện T249 để hoàn thiện và so sánh với các cấu kiện cùng loại, thử nghiệm thực tế để có thể ứng dụng rộng rãi trong tương lai.

Tạp chí KH&CN Thủy lợi, Số 17/2013
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài