SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ngành công nghiệp phụ trợ: Vì sao vẫn mãi "ì ạch"?

[27/10/2015 08:07]

Trình độ công nghệ thấp khiến cho các doanh nghiệp trong nước khó có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong việc cung ứng thiết bị, linh kiện đạt chuẩn quốc tế.

80% nguyên vật liệu cho ngành CN phụ trợ đang phải nhập khẩu

30 năm sau quá trình đổi mới và hội nhập, kinh tế TP.HCM đã có những bước chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. GDP bình quân tăng 9,6%/năm (gấp 1,66 lần so với cả nước).

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, TP đã tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng KHCN và giá trị gia tăng cao. Đó là các ngành: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa - cao su, chế biến lương thực - thực phẩm. Ước tính trong năm 2015, 4 ngành này chiếm tỷ trọng 60% so với toàn ngành công nghiệp của TP.

Tuy nhiên, theo ông Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, dù đã có sự tăng trưởng về lượng, nhưng xét về chất, cấu trúc các ngành công nghiệp TP phát triển chưa thực sự bền vững và ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Đến thời điểm hiện tại, trên 80%  nguyên, vật liệu và phần lớn thiết bị, công nghệ của chúng ta vẫn phải nhập khẩu. Hoạt động sản xuất chủ yếu vẫn là phục vụ sửa chữa thay thế và gia công lắp ráp. Trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động phần lớn dựa vào kinh nghiệm, năng lực phát triển và khai thác thị trường, tiếp cận cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước còn thấp. Ở chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp của chúng ta vẫn chỉ tham gia ở những công đoạn có giá trị gia tăng thấp, công nghệ giản đơn thay vì trực tiếp tham gia vào những công đoạn đòi hỏi hàm lượng chất xám và trình độ công nghệ cao.

Theo thống kê, hiện TP.HCM có 371 doanh nghiệp trong nước và 261 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, phần lớn nguyên liệu, linh phụ kiện cho những doanh nghiệp này vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, điều này dẫn tới việc phần lớn giá trị gia tăng thuộc về các doanh nghiệp FDI và nhà cung ứng nước ngoài. Bởi hầu như nguyên vật liệu để sản xuất đều từ các nước khác nhập sang, chúng ta chỉ đóng vai trò như một trạm chung chuyển, đóng gói, gia công trước khi sản phẩm xuất đi các nước khác để trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy, dù cho giá trị xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng theo từng năm, nhưng chúng ta chỉ thu được một vài lợi ích rất nhỏ từ hoạt động sản xuất này, ngoại trừ giải quyết vấn đề việc làm cho lao động trong nước và học hỏi kinh nghiệm quản lý.

Theo khảo sát của tổ chức Jetro (Nhật Bản), năm 2014, tỷ lệ nội địa hóa của công ty Nhật tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 33,2%. Trong đó, tỷ lệ nội địa hóa ở miền Nam là 19,1% và ở miền Bắc là 11%. Tuy có tăng qua từng năm nhưng nhìn chung, tỷ lệ này vẫn còn rất thấp so với con số 54,8% tại Thái Lan và 43,1% tại Indonesia.

Có thể nói, kết quả trên tuy chỉ thể hiện tỷ lệ nội địa hóa của công ty Nhật tại Việt Nam nhưng về cơ bản đã phản ánh đúng thực trạng chung của ngành.

Những nguyên nhân chính

Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa X vừa qua, ông Lê Văn Khoa cho rằng, có 4 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế của ngành công nghiệp hỗ trợ TP.HCM.

Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ chính thuộc tính của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP.HCM. Đó là sản xuất phân tán, vốn và tài sản ít nên khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Điều này dẫn đến việc chậm đổi mới công nghệ nên năng suất, chất lượng sản phẩm thấp mà giá thành lại cao. Hiệu quả kinh doanh thấp kéo theo lợi nhuận thấp, khó tích tụ vốn để tái đầu tư. Doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào vòng lẩn quẩn của năng lực cạnh tranh thấp.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ sự thiếu đồng bộ trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thời gian qua, Trung ương và TP đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặc dù các ngành đã có nhiều nỗ lực nhưng theo ý kiến nhận định của doanh nghiệp, hiệu ứng, tác động của các cơ chế, chính sách này chưa thực sự hiệu quả bởi phạm vi ưu đãi quá rộng, mang tính cào bằng và được lồng ghép trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thủ tục tiếp cận rất nhiêu khê. Bên cạnh đó là thiếu đầu mối quản lý tập trung và chồng chéo trong chỉ đạo, điều hành. Chưa hình thành các cụm liên kết ngành gắn với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng như thiếu các chương trình hỗ trợ như đào tạo nhân lực, mặt bằng, công nghệ, thông tin và tiếp cận thị trường phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Nguyên nhân thứ ba xuất phát từ sự thiếu thông tin. Cả nước nói chung và TP nói riêng chưa có cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Do đó, các doanh nghiệp lắp ráp và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không có thông tin và không biết về nhau. Mặt khác, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa hiểu đúng và chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng theo yêu cầu của nhà lắp ráp sản phẩm đầu cuối.

Nguyên nhân thứ tư xuất phát từ chậm đổi mới về công nghệ. Trong khi các nhà lắp ráp luôn yêu cầu chất lượng cao, với giá thành bằng hoặc thấp hơn so với nhập khẩu thì chỉ những nhà cung ứng có trình độ công nghệ cao mới đáp ứng được, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta vẫn chậm đổi mới công nghệ, dẫn đến chất lượng, khả năng cung ứng thấp và giá thành cao.

Theo kết quả khảo sát, trình độ công nghệ của phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ đạt mức trung bình so với khu vực. Do đó, có một khoảng cách công nghệ rất xa giữa các nhà lắp rắp và các nhà cung ứng nội địa.

Có thể nói, trình độ công nghệ thấp đang là trở lực của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ của TP nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, các nhà lắp ráp đầu tư tại Việt Nam nhưng vẫn phải nhập khẩu linh kiện, phụ kiện từ nước ngoài đồng thời còn kéo theo những nhà cung ứng cho họ từ chính quốc. Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm là vô cùng quan trọng, bắt buộc các doanh nghiệp tham gia phải luôn cải tiến công nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường, vì thế đã đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đổi mới theo.

khampha.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài