SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Trọng tâm trong phát triển công nghiệp phụ trợ

[28/10/2015 08:34]

Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là trung tâm trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ của TP.HCM.

Tiếp nối bài viết "Ngành công nghiệp phụ trợ: Vì sao vẫn mãi ì ạch?", Khám phá tiếp tục đăng tải những giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực được xem là bước đệm quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo của Việt Nam.

Theo ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, thời gian qua, Ban chỉ đạo phát triển công nghiệp phụ trợ TP đã chủ trì, phối hợp cùng nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Kinh tế TP.HCM và các nhà khoa học nhằm đề ra những định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.

Trong đó, chú trọng ưu tiên thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ phục vụ 4 ngành trọng yếu (bao gồm cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa - cao su, chế biến tinh lương thực - thực phẩm) và hai ngành truyền thống (dệt may, giày da).

Đặc biệt, giai đoạn đầu sẽ tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ thuộc các ngành cơ khí chế tạo, hóa chất - nhựa - cao su nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm phục vụ cho các ngành công nghiệp khác.

Đồng thời, trong quá trình phát triển phải từng bước tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi. Định hướng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp sử dụng sản phẩm công nghiệp phụ trợ được sản xuất từ doanh nghiệp trong nước. Từ đó, hình thành được hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ mạnh, tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp truyền thống của TP.

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác sản xuất giữa các công ty FDI với doanh nghiệp vừa và nhỏ để nhanh chóng làm chủ công nghệ. Phát triển được đội ngũ nhân lực quản lý, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển của TP.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu được các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác quan tâm đầu tư. Trong đó, TP.HCM là một trong những điểm lựa chọn đầu tiên. Do đó, để phát triển công nghiệp phụ trợ, 6 nhóm giải pháp trọng tâm cũng đã được Ban chỉ đạo phát triển công nghiệp phụ trợ đề xuất lên TP.

Bao gồm:

1. Kiện toàn công tác quản lý nhà nước về công nghiệp hỗ trợ

Một trong những nguyên nhân quan trọng gây cản trở sự phát triển là do sự chồng chéo, phối hợp thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả giữa các ngành, các cấp. Nhận thức được vấn đề, TP đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ để tập trung, chỉ đạo, xuyên suốt. Đồng thời hình thành Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, là đầu mối tiếp nhận, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.

2. Cung cấp mặt bằng phục vụ sản xuất để thu hút đầu tư

Qua khảo sát cho thấy, yêu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chỉ cần thuê nhà xưởng diện tích nhỏ (khoảng 200 - 300 m2), trong khi thực tế các nhà đầu tư hạ tầng tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thường chỉ cho thuê đất với diện tích vài nghìn mét vuông trở lên.

Nắm bắt được nhu cầu này, TP cần có chính sách khuyến khích, mời gọi các công ty đầu hạ tầng xây dựng sẵn các nhà xưởng cao tầng có quy mô phù hợp với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trước mắt, tiến hành xây dựng khoảng 100.000 m2 diện tích sàn xây dựng để phục vụ nhu cầu doanh nghiệp.

Ngoài ra, để chuẩn bị đón nhận làn sóng đầu tư từ Nhật bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác, thành phố cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch, dành khoảng 500 ha đất trong giai đoạn 2016-2020 để thành lập các Khu công nghiệp, trung tâm giao dịch chuyên về công nghiệp hỗ trợ.

3. Xác định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của TP

Cần thay đổi nhận thức, tư duy từ “phát triển theo chiều rộng” dàn trải như trước đây sang “phát triển theo chiều sâu”, chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hàm lượng chất xám, KHCN vào các lĩnh vực, nhóm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

4. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực

Cần tiến hành rà soát chọn các viện, trường có năng lực, quy mô phù hợp để tổ chức gắn kết chương trình đào tạo với thực tiễn sử dụng lao động của doanh nghiệp. Vận dụng, khai thác có hiệu quả sự trợ giúp của các tổ chức xúc tiến thương mại, tổ chức nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật của nước ngoài như Jetro, Jica (Nhật Bản), Katech(Hàn Quốc), Insalyon (Pháp)…

Đồng thời, mời gọi các chuyên gia trong và ngoài nước để làm tư vấn xây dựng cơ chế, chính sách cho TP. Tư vấn đổi mới công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khuyến khích thu hút lực lượng lao động từ các du học sinh, các đối tượng hợp tác lao động ở nước ngoài trở về nước để làm việc cho TP…

5. Xây dựng cơ chế hỗ trợ DN vừa và nhỏ đổi mới công nghệ

TP đã cho rà soát, bổ sung các đối tượng, cải cách quy trình, thủ tục của Chương trình kích cầu hiện hữu và xây dựng thành một chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, giao một đầu mối là Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chương trình.

Thông qua chương trình này, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ, bù lãi vay cho các dự án đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất… của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Hằng năm, nguồn vốn này được rà soát, báo cáo Thường trực Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân để xem xét, cấp bổ sung.

Ngoài ra, TP cũng tiến hành rà soát, củng cố các thiết chế tài chính như: Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phát triển KHCN TP theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động và giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn.

Mặt khác, TP cần tổ chức gắn kết doanh nghiệp với các viện, trường để sử dụng có hiệu quả đội ngũ khoa học, trang thiết bị sẵn có tại các viện, trường. Trong thu hút đầu tư, cần khuyến khích liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, khuyến khích công tác nghiên cứu và phát triển và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

6. Xây dựng cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ

Các doanh nghiệp hiện nay rất cần thông tin trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Do đó, thành phố cần xây dựng cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhằm giúp các doanh nghiệp có thông tin về nhau, thông tin về nguồn cung và nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, từ đó sẽ là cơ sở để kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với nhau và với các doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.

(Lược ghi từ tham luận của  ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X).

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết, đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Khu, Ban quản lý đều có quy định về những hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D) phải sử dụng người của Khu Công nghệ cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải cam kết tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong hoạt động sản xuất của mình.

Chẳng hạn, đối với dự án của Samsung, Ban quản lý đã yêu cầu doanh nghiệp này phải cam kết sau 3 năm đi vào hoạt động ổn định, đến 2020, tỷ lệ nội địa hóa phải đạt 35% tổng giá trị sản phẩm. “Điều này giúp chúng ta tạo nên giá trị gia tăng cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, không quá phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài trong trường hợp họ rời bỏ mình để tìm kiếm những khu vực đầu tư khác tốt hơn”.

khampha.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài