SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chất thải hữu cơ: Nguồn nguyên liệu phát điện đang bị bỏ phí vì... không bán được

[07/08/2018 08:35]

Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo không chỉ là năng lượng từ gió hay mặt trời mà theo PGS.TS Bùi Xuân An (Hiệp hội Khí Sinh học Việt Nam), khí sinh học chính là nguồn năng lượng khổng lồ đang bị bỏ phí.

Khí sinh học biogas được đánh giá là nguồn năng lượng tái tạo rẻ nhất ở khu vực nông thôn.

Nguồn tài nguyên trị giá 30 nghìn tỷ đồng/năm

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi năm 2016, tổng khối lượng chất thải hữu cơ (gồm chất thải rắn sinh học, nước thải chăn nuôi heo, bò) tại Việt Nam là gần 85 triệu tấn. Chất thải hữu cơ được coi là nguồn tài nguyên có thể sử dụng cho nhiều mục đích nhưng hiện nay phần lớn lượng chất thải này vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, vừa lãng phí vừa ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Theo PGS.TS Bùi Xuân An, Hiệp hội Khí Sinh học Việt Nam, cho biết nguồn chất thải hữu cơ được xử lý hiệu quả đem lại nhiều lợi ích như bảo vệ môi trường, cung cấp chất đốt, phân bón và cả điện năng. Khí sinh học biogas là nguồn năng lượng tái tạo rẻ nhất ở khu vực nông thôn, chi phí xây dựng hầm biogas chỉ từ 1 triệu đồng trở lên.

Thống kê của Hiệp hội Khí Sinh học Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng lượng chất thải hữu cơ có thể cho nguồn đầu ra là 25 tỷ mét khối biogas hàng năm.

PGS.TS An dự tính tổng điện năng có thể khai tác từ nguồn chất thải này lên tới hơn 12,5 tỷ kWh/năm. Với mức giá trung bình 2.100 đồng/kwh, lượng điện năng này có giá trị khoảng 26,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, tổng tiềm năng từ các sản phẩm khác như tro, phân hữu cơ, vật liệu tái chế là hơn 8 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Giải pháp hiệu quả cho các trang trại

Những con số trên không chỉ là kết quả tính toán trên giấy mà nhiều mô hình sử dụng khí biogas sản xuất điện đã chứng minh được hiệu quả trong thực tế.

Hợp tác xã Kinh tế Xanh tại tỉnh Bạc Liêu hiện đang nuôi khoảng 6.000 heo. Để xử lý vấn đề chất thải, anh Đỗ Minh Nhã, Giám đốc Hợp tác xã, đã quyết định đầu tư hầm biogas chứa chất thải của lợn và khai thác khí gas theo công nghệ phủ bạt chống thấm HDPE.

Hầm biogas này có thể tích 8.000 mét khối, trong đó 5.000 mét khối chứa dịch thải còn lại là khí metal (CH4). Loại bạt phủ kín hầm dày 1 mm có thể sử dụng được trong 20 năm.

Lượng khí thu được từ hầm biogas này anh Nhã sử dụng để làm nguyên liệu chạy máy phát điện. Hiện nay, trang trại của anh Nhã mới chỉ dùng một máy phát điện cung cấp khoảng 150 - 200 KVA/ giờ đã đủ để chạy hệ thống làm mát cho các trại nuôi lợn, quạt nước điều hòa khí trong nước cho tôm và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các hộ thành viên trang trại 24/24 giờ. Phụ phẩm từ hầm biogas cũng được tận dụng để bón cho 500 gốc dừa tại trang trại.

Nếu sử dụng toàn bộ, lượng khí thu được từ xử lý chất thải chăn nuôi tại trang trại đủ cho 3 máy phát điện với tổng công suất 800 KVA/giờ, tạo ra lượng điện năng có giá trị ước tính tới gần 40 triệu đồng/ngày.

Chất thải hữu cơ: Nguồn nguyên liệu phát điện đang bị bỏ phí vì... không bán được - 2

Nhà máy phát điện biogas tại Hợp tác xã Kinh tế Xanh cho công suất tới 800 KVA/giờ, gấp 4 lần nhu cầu sử dụng tại của hợp tác xã.

Dù mô hình đem lại hiệu quả tích cực nhưng anh Nhã cho biết phần lớn lượng khí gas sinh ra phải bỏ phí, không đưa vào sản xuất điện. Nguyên nhân chính được đưa ra là do chưa có chính sách thu mua điện từ khí sinh học, do đó nếu sản xuất lượng điện dư thừa so với nhu cầu sử dụng thì cũng không bán được.

PGS.TS Bùi Xuân An cho biết đây cũng là lý do quan trọng khiến cho tái chế, tái sử dụng chất thải sinh hoạt cũng như sử dụng khí sinh học để sản xuất điện ở Việt Nam chưa phát triển.

Theo số liệu thống kê, khối lượng chất thải hữu cơ ở Việt Nam được tái chế, sử dụng lại chỉ chiếm 5%. Trong đó, hầu hết chỉ dừng ở quy mô tự cung tự cấp hoặc sử dụng làm nguồn nhiệt tại một số nhà máy. Số lượng sử dụng để phát điện còn rất ít.

“Để giải quyết bài toán này, tôi cho rằng cần phải có biểu giá điện biogas từ Chính phủ. Chính phủ cũng nên có những chính sách phù hợp để khai thác khí biogas như quy chế về khai thác khí biogas khi cấp phép đầu tư cho chăn nuôi, yêu cầu với chất lượng nước thải…”, TS An đề xuất.

www.khampha.vn (ttncac)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài