SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu nuôi vỗ thành thục cá heo (Botia modesta BLEEKER, 1865) với các mật độ khác nhau

[08/08/2018 15:22]

Nghiên cứu nuôi vỗ thành thục cá heo (Botia modesta BLEEKER, 1865) với các mật độ khác nhau.

Hệ thống thí nghiệm nuôi vỗ (A) và cá heo bố mẹ (B)

Cá heo (Botia modesta Bleeker, 1865) là 1 trong 8 loài cá nước ngọt thuộc giống Botia phân bố khá phổ biến trong các lưu vực vùng hạ nguồn sông Cửu Long. Cá heo là loài có kích thước nhỏ, sản lượng thấp, tuy nhiên màu sắc đẹp có thể thuần hóa làm cá cảnh (Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, 1993). Thời gian gần đây cho thấy cá heo trở thành loài thủy đặc sản, có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng triển vọng lớn cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy là loài có giá trị kinh tế nhưng nguồn lợi cá heo đang tiêu thụ trên thị trường hiện nay chủ yếu là được đánh bắt từ tự nhiên, không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, chưa chủ động được nguồn cá giống cho các mô hình nuôi thương phẩm cá heo (Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, 1993). Một số kết quả về đặc điểm dinh dưỡng và sinh sản cá heo đã được khảo sát, từ đó cho thấy hệ số thành thục của cá heo cao nhất là 2,4% vào tháng 8 (Nguyễn Thanh Hiệu và ctv., 2014). Nguyễn Thanh Hiệu và ctv. (2015) đã nghiên cứu thành công về sản xuất giống cá heo. Nhưng do tỉ lệ thành thục cá heo còn thấp, mùa vụ sinh sản của cá heo trong tự nhiên đến trễ hơn so với một số loài cá nước ngọt khác, đây là nguyên nhân dẫn đến việc sản xuất giống cá heo còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cá giống trên thị trường, có thể là do cá heo có điều kiện môi trường sống tương đối đặc biệt, sống nước chảy, chủ yếu ở tầng đáy, thích ẩn nấp trong các hốc đá, rễ cây hoạt động sống và bắt mồi theo đàn (Rainboth (1996). Vì vậy, để chủ động trong việc sản xuất giống cá heo thì việc xác định mật độ nuôi vỗ thành thục cá heo là cần thiết, để tìm ra mật độ nuôi vỗ thích hợp nhằm cải thiện tỉ lệ thành thục và mùa vụ sinh sản của cá heo là giải pháp cho việc hoàn thiện qui trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá heo.

Nghiên cứu nuôi vỗ thành thục cá heo được thực hiện với 3 nghiệm thức (NT) mật độ là 0,5 kg/m3; 1 kg/m3 và 1,5 kg/m3. Thức ăn nuôi vỗ trong thí nghiệm là tép trấu. Sau 5 tháng nuôi vỗ đạt kết quả như sau: Nhiệt độ, pH và ôxy trong ao nuôi vỗ luôn nằm trong khoảng thích hợp để cá heo thành thục sinh dục. Hệ số thành thục của cá cái ở nghiệm thức 1,5 kg/m3 (4,31%) khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) so với nghiệm thức 0,5 kg/m3 (2,04%). Tỷ lệ cá heo thành thục cao nhất ở NT2 (1 kg/m3) là 73,3% và thấp nhất ở NT1 (0,5 kg/m3) là 46,67% vào tháng 5. Sức sinh sản tương đối của cá heo ở NT2 (1 kg/m3) và NT3 (1,5 kg/m3) khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) so với NT1 (0,5 kg/m3). Hàm lượng Vitellogenin (Vg) thấp nhất ở giai đoạn V (2,59 µg ALP/mg protein) và cao nhất ở giai đoạn III (3,73 µg ALP/mg protein). Hàm lượng protein trong cơ và gan lớn nhất ở tháng 1 (5,12 – 7,35 và 7,58 – 21,9 mg protein/g mẫu tươi), nhỏ nhất ở tháng 4 (4,15 – 4,50 và 7,34 – 10.3 mg protein/g mẫu tươi). 

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Phần B(2018)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài