SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá nghiệm thu đề tài, dự án khoa học và công nghệ

[21/01/2012 09:14]

Phần 2: Đánh giá nghiệm thu cấp thành phố Đánh giá nghiệm thu cấp thành phố đề tài, dự án khoa học và công nghệ được áp dụng theo các quy định tại quyết định số 47/2010/QĐ-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.

Đánh giá cấp thành phố là đánh giá kết quả đề tài thông qua Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp thành phố. Việc đánh giá cấp thành phố chỉ thực hiện khi được Hội đồng đánh giá cấp cơ sở xếp loại “Đạt”.  Đối với đề tài có kết quả nghiên cứu là các sản phẩm có thể đo kiểm được (kể cả phần mềm máy tính…), thì tính xác thực của các thông số kỹ thuật và tài liệu công nghệ còn được thẩm định bởi Tổ Chuyên gia trước khi tổ chức họp Hội đồng đánh giá cấp thành phố.

1. Thành phần hồ sơ đánh giá cấp thành phố

- Công văn đề nghị đánh giá nghiệm cấp thành phố của cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài.

- Hồ sơ đánh giá cấp cơ sở đã được bổ sung, hoàn thiện theo yêu cầu của Hội đồng đánh giá cấp cơ sở.

- Quyết định thành lập Hội đồng và biên bản đánh giá cấp cơ sở.

- Văn bản xác nhận của các tác giả về việc sắp xếp thứ tự tên trong danh sách tác giả thực hiện đề tài (theo mẫu D2-1-DSTGTH).

- Báo cáo giải trình các nội dung đã được bổ sung, hoàn thiện theo ý kiến kết luận của hội đồng đánh giá cấp cơ sở có xác nhận của Chủ tịch Hội đồng đánh giá cấp cơ sở (mẫu D1-4-BCHTHS)

- Nhận xét về tình hình tổ chức thực hiện đề tài (theo mẫu D1-2-NXTCTH) đã được bổ sung và hoàn thiện sau đánh giá cấp cơ sở.

- Trường hợp đặc biệt đối với đề tài không sử dụng ngân sách nhà nước, tài liệu để đánh giá nghiệm thu cấp thành phố sẽ dựa trên yêu cầu của Sở KH&CN và các tài liệu, sản phẩm cung cấp của tổ chức, cá nhân cần đánh gia.

2. Số lượng hồ sơ nộp đánh giá cấp thành phố

- 01 (một) bộ hồ sơ được đề cập tại mục 01.

- 01 (một) báo cáo tóm tắt tổng hợp kết quả của đề tài.

3. Thời hạn nộp hồ sơ và tổ chức đánh giá cấp thành phố

- Trong vòng 30 ngày kể từ khi có kết luận của hội đồng đánh giá cấp cơ sở, chủ nhiệm, cơ quan chủ trì đề tài có trách nhiệm nộp hồ sơ đánh giá cấp thành phố cho Sở KH&CN.

- Sở KH&CN kiểm tra, xác nhận tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ theo quy định hoặc yêu cầu chủ nhiệm, cơ quan chủ trì đề tài bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (trường hợp cần thiết).

- Hồ sơ hợp lệ được Sở KH&CN gửi đến từng thành viên Hội đồng trước phiên họp ít nhất 07 ngày.

- Việc tổ chức đánh giá cấp thành phố phải được thực hiện và hoàn thành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đánh giá hợp lệ (trường hợp đặc biệt phải được Giám đốc Sở KHCN giải quyết).

4. Hội đồng đánh giá cấp thành phố và tổ chuyên gia

- Hội đồng đánh giá cấp thành phố có trách nhiệm tư vấn giúp Sở KH&CN đánh giá kết quả đề tài theo quy định.

- Tổ chuyên gia (thành lập trong trường hợp đề tài có sản phẩm đo kiểm được) có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định độ tin cậy, nhận định tính xác thực các sản phẩm của đề tài theo yêu cầu của Sở KH&CN.

- Hội đồng đánh giá cấp thành phố và Tổ chuyên gia do Sở KH&CN quyết định thành lập.

- Yêu cầu đối với các thành viên Hội đồng đánh giá cấp thành phố:

+ Có chuyên môn về KH&CN, kinh tế, quản lý phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của đề tài, dự án;

+  Là các chuyên gia có uy tín, sẵn sàng tham gia hội đồng đánh giá với tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, khách quan;

+ Các Ủy viên phản biện Hội đồng ngoài các yêu cầu trên phải là chuyên gia có kinh nghiệm, am hiểu sâu về chuyên môn, có trình độ khoa học từ Thạc sĩ trở lên. Trường hợp đặc biệt do Giám đốc Sở KH&CN quyết định.

- Ngoài các yêu cầu quy định nêu trên, thành viên Hội đồng còn phải tuân thủ các điều kiện sau:

+ Thành viên Hội đồng đánh giá cấp cơ sở có thể tham gia Hội đồng đánh giá cấp thành phố nhưng không quá ba (03) thành viên. Trong đó: Chủ tịch, Ủy viên phản biện Hội đồng đánh giá cấp cơ sở không được làm Chủ tịch, Phó chủ tịch hoặc Ủy viên phản biện của Hội đồng đánh giá cấp thành phố;

+ Chủ nhiệm và các cá nhân tham gia trực tiếp thực hiện đề tài không được làm thành viên Hội đồng đánh giá đề tài đó;

- Hội đồng đánh giá cấp thành phố có từ 07 đến 09 thành viên; bao gồm Chủ tịch, 02 Ủy viên phản biện (1 trong 2 Ủy viên phản biện sẽ kiêm giữ chức Phó chủ tịch) và các Ủy viên Hội đồng, trong đó:

+ Có từ 1/2 đến 2/3 thành viên là các chuyên gia KH&CN có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của đề tài;

+  Có từ 1/3 đến 1/2 thành viên là các chuyên gia về kinh tế, quản lý đại diện cho các tổ chức sản xuất - kinh doanh có khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài, cơ quan quản lý và các tổ chức khác có liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của đề tài.

- Tổ chuyên gia có từ 03 đến 05 thành viên gồm các thành viên của Hội đồng và các chuyên gia ngoài Hội đồng (nếu cần thiết). Thành viên tổ chuyên gia phải là các chuyên gia có kinh nghiệm, am hiểu sâu về chuyên môn khoa học công nghệ, có trình độ khoa học từ Thạc sĩ trở lên. Trường hợp đặc biệt do Giám đốc Sở KH&CN quyết định.

-  Các chuyên gia, đặc biệt là các Ủy viên phản biện của Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ hoặc tuyển chọn, xét chọn đề tài được ưu tiên mời tham gia Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, có thể mời 01 chuyên gia đang công tác tại cơ quan chủ trì đề tài làm Ủy viên Hội đồng.

- Giúp việc cho Hội đồng ngoài 01 Thư ký khoa học đã đề cập, còn có 01 Thư ký hành chính là chuyên viên của cơ quan quản lý đề tài.

5. Trách nhiệm, quyền hạn của các thành viên Hội đồng và Tổ chuyên gia

- Trách nhiệm và quyền hạn thành viên Hội đồng đánh giá cấp thành phố:

+ Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu đánh giá, nhận xét kết quả đề tài (theo mẫu D2-2-PLNXTP), gửi phiếu nhận xét tới Sở KH&CN;

+ Chịu trách nhiệm cá nhân về các ý kiến tư vấn trong quá trình đánh giá;

+ Không được cung cấp thông tin về kết quả đánh giá trước khi công bố chính thức, không được sử dụng kết quả của đề tài trái quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ;

+ Yêu cầu Sở KH&CN, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài cung cấp các tài liệu cần thiết phục vụ cho việc đánh giá.

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng, Ủy viên phản biện và Thư ký khoa học ngoài trách nhiệm và quyền hạn của thành viên Hội đồng,  còn có trách nhiệm sau:

+  Chủ tịch Hội đồng phối hợp với Sở KH&CN quyết định thời gian họp và chủ trì các phiên họp của Hội đồng đánh giá.

+ Phó Chủ tịch Hội đồng điều hành Hội đồng trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt;

+ Ủy viên phản biện có trách nhiệm thẩm định, nhận xét, đánh giá sâu sắc kết quả nghiên cứu của đề tài và gửi phiếu nhận xét đề tài cho Sở KH&CN;

+ Thư ký khoa học giúp Chủ tịch Hội đồng ghi chép các ý kiến thảo luận tại các phiên họp, xây dựng và hoàn thiện biên bản đánh giá theo ý kiến kết luận tại cuộc họp đánh giá của Hội đồng.

- Trách nhiệm của thành viên Tổ chuyên gia:

+ Kiểm tra, thẩm định các sản phẩm khoa học công nghệ (mẫu sản phẩm, mô hình, bản vẽ thiết kế, báo cáo thử nghiệm, ứng dụng, các văn bản đo đạc, kiểm tra, đánh giá thử nghiệm các sản phẩm của đề tài, dự án đã được các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận theo mẫu D2-3-NX.TCG)

+ Khảo sát tại hiện trường, yêu cầu tổ chức đo kiểm các thông số kỹ thuật của sản phẩm (nếu cần thiết);

+ Tổ trưởng tổ chuyên gia lập báo cáo thẩm định (theo mẫu D2-4-BCTD.TCG) và gửi Sở KHCN trước khi tổ chức cuộc họp Hội đồng đánh giá cấp thành phố 10 ngày.

- Thư ký hành chính có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ tài liệu và các điều kiện cần thiết theo quy định phục vụ các cuộc họp của Hội đồng.

6. Họp Hội đồng đánh giá cấp thành phố

- Thành phần chính tham dự các cuộc họp của Hội đồng đánh giá cấp thành phố bao gồm:

            + Thành viên Hội đồng đánh giá.

            + Đại diện cơ quan chủ trì.

            + Đại diện cơ quan chủ quản (nếu có).

            + Đại diện các đơn vị có liên quan khác (nếu có).

- Họp Hội đồng đánh giá cấp thành phố được thực hiện như sau: họp Tổ chuyên gia (tổ chức khi cần thiết) và họp đánh giá cấp thành phố (sau khi có báo cáo thẩm định của Tổ chuyên gia).

Hội đồng đánh giá cấp thành phố hợp lệ khi phải có mặt ít nhất 2/3 số thành viên, trong đó có Chủ tịch và phải có mặt ít nhất 1 Ủy viên phản biện (Ủy viên phản biện còn lại vắng mặt phải có phiếu nhận xét). Trường hợp Chủ tịch vắng mặt, thì phải có mặt cả 2 Ủy viên phản biện.

Chủ nhiệm đề tài được tham dự và giải trình các vấn đề liên quan đến kết quả thực hiện đề tài tại các lần họp của Hội đồng.

- Họp Tổ chuyên gia (nếu có) gồm các nội dung sau:

+ Đại diện Tổ chuyên gia nêu những nội dung và yêu cầu chủ yếu đối với việc đánh giá.

+ Tổ trưởng tổ chuyên gia chủ trì cuộc họp theo trình tự sau:

a) Chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt kết quả khoa học công nghệ;

b)  Các thành viên Tổ chuyên gia nêu câu hỏi đối với Chủ nhiệm đề tài về kết quả và các vấn đề liên quan của đề tài;

c) Chủ nhiệm đề tài trả lời các câu hỏi của Tổ chuyên gia;

d) Tổ chuyên gia trao đổi, thống nhất về các thông số kỹ thuật đo đạc, kiểm định và lập báo cáo thẩm định gởi Sở KH&CN.

- Họp đánh giá cấp thành phố:

Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp đánh giá theo trình tự sau:

a) Đại diện Sở KH&CN nêu những nội dung và yêu cầu chủ yếu đối với việc đánh giá nghiệm thu.

b) Chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt kết quả khoa học công nghệ.

c) Các Ủy viên hội đồng trình bày nhận xét đề tài đã được cung cấp sẵn trước.

d) Thư ký khoa học đọc phiếu nhận xét của thành viên vắng mặt (nếu có).

e) Hội đồng thảo luận kín, các thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá xếp loại đề tài.

f) Hội đồng thảo luận, thống nhất, kết luận từng nội dung.

            g) Trường hợp Hội đồng đánh giá xếp loại “Không đạt” cần xác định rõ những nội dung, công việc đã thực hiện đúng hợp đồng để Sở KH&CN, cơ quan có liên quan xem xét  xử lý theo quy định hiện hành.

7. Nội dung và thang điểm đánh giá kết quả đề tài

- Đối với đề tài Khoa học Xã hội và Nhân văn:

+  Phương pháp nghiên cứu của đề tài (điểm đánh giá tối đa 15 điểm).

+ Giá trị khoa học của kết quả nghiên cứu (điểm đánh giá tối đa 55 điểm).

+ Giá trị thực tiễn của kết quả nghiên cứu (điểm đánh giá tối đa 25 điểm).

+ Tổ chức thực hiện đề tài (điểm đánh giá tối đa 05 điểm).

- Đối với đề tài Khoa học và Công nghệ:

+ Mức độ hoàn thành khối lượng cơ bản kết quả nghiên cứu của Đề tài so với thuyết minh (điểm đánh giá tối đa 50 điểm).

+ Giá trị khoa học của các kết quả KHCN của Đề tài (điểm đánh giá tối đa 10 điểm).

+ Giá trị ứng dụng, mức độ hoàn thiện của công nghệ và triển vọng áp dụng kết quả KHCN (điểm đánh giá tối đa 30 điểm).

+  Đánh giá về tổ chức và quản lý, kết quả đào tạo và những đóng góp khác của Đề tài (điểm đánh giá tối đa 10 điểm).

- Đối với dự án Khoa học và Công nghệ:

+ Mức độ hoàn thành khối lượng cơ bản kết quả nghiên cứu, thực hiện của Dự án KHCN so với Hợp đồng (điểm đánh giá tối đa 40 điểm).

+ Giá trị khoa học của các kết quả KHCN của Dự án KHCN (điểm đánh giá tối đa 20 điểm).

+ Giá trị ứng dụng, mức độ hoàn thiện của công nghệ và triển vọng áp dụng kết quả KHCN (điểm đánh giá tối đa 25 điểm).

+ Đánh giá về tổ chức và quản lý, kết quả đào tạo và những đóng góp khác của Dự án KHCN (điểm đánh giá tối đa 15 điểm).

- Đối với dự án Sản xuất Thử nghiệm:

+ Mức độ hoàn thành khối lượng cơ bản của kết quả thực hiện Dự án SXTN theo yêu cầu của Hợp đồng (điểm đánh giá tối đa 45 điểm).

+ Giá trị khoa học của các kết quả KHCN của Dự án SXTN (Về tính mới, tính sáng tạo của Dự án SXTN) (điểm đánh giá tối đa 10 điểm).

+ Giá trị ứng dụng, mức độ hoàn thiện của công nghệ và triển vọng áp dụng kết quả KHCN (điểm đánh giá tối đa 25 điểm).

+ Đánh giá về tổ chức và quản lý, huy động vốn, kết quả đào tạo và những đóng góp khác của Dự án SXTN (điểm đánh giá tối đa 20 điểm).

8. Nguyên tắc chấm điểm và xếp loại kết quả đề tài

- Nguyên tắc chấm điểm kết quả đề tài, dự án KH&CN, đề tài KHXH, dự án SXTN:

+ Việc chấm điểm đánh giá kết quả đề tài được căn cứ theo các phiếu nhận xét - đánh giá của các thành viên hội đồng (theo mẫu D2-2-PLNXTP).

+ Phiếu đánh giá hợp lệ là phiếu cho điểm bằng hoặc thấp hơn điểm tối đã quy định cho từng nội dung đánh giá.

+ Điểm của đề tài là điểm trung bình của tổng số điểm ghi trong các phiếu đánh giá hợp lệ.

+ Trường hợp điểm đánh giá của thành viên chênh lệch quá 30% so với điểm trung bình của các thành viên còn lại thì không hợp lệ.

- Xếp loại kết quả đề tài, dự án KH&CN, đề tài KHXH, dự án SXTN:

+  “Xuất sắc”: Đề tài đạt tổng số điểm trung bình hợp lệ từ 85 đến 100 điểm.

+ “Khá”: Đề tài đạt tổng số điểm trung bình hợp lệ từ 70 đến dưới 85 điểm.

+ “Trung bình”: Đề tài đạt tổng số điểm trung bình hợp lệ từ 50 đến dưới 70 điểm.

+ “Không đạt” trong trường hợp khi đề tài có tổng số điểm trung bình hợp lệ dưới 50 điểm.

9. Đánh giá về tổ chức thực hiện

- Sở KH&CN tiến hành đánh giá và xếp loại về tổ chức thực hiện của đề tài (theo mẫu D2-5-DGTCTH), cụ thể như sau:

+ Đánh giá tiến độ thực hiện.

+ Đánh giá về tình hình sử dụng.

- Xếp loại về tổ chức thực hiện của đề tài được chia thành 02 mức: “Đạt” hoặc “ Không đạt”, cụ thể như sau:

+  Mức “Đạt” khi có đủ các điều kiện:

a) Nộp hồ sơ đánh giá đúng hạn.

b) Sử dụng kinh phí thực hiện đề tài đúng theo quy định hiện hành.

+  Mức “Không đạt” nếu vi phạm một trong các trường hợp:

a) Nộp hồ sơ đánh giá nghiệm thu không đúng thời gian theo quy định này;

b) Vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc quản lý tài chính (có kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra có thẩm quyền).

10. Xử lý và báo cáo kết quả đánh giá

a) Đề tài được đánh giá xếp loại ở mức “Xuất sắc”, “Khá” và “Trung bình” trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có kết quả đánh giá cấp thành phố, chủ nhiệm đề tài hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến kết luận của hội đồng và gửi Sở KH&CN. Sở KH&CN kiểm tra, giám sát việc hoàn thiện hồ sơ đánh giá của đề tài.

b) Trường hợp kết quả đề tài xếp loại ở mức “Không đạt”, nếu chưa được gia hạn trong quá trình đánh giá cấp cơ sở thì có thể được xem xét gia hạn thời gian thực hiện nhưng không quá 6 tháng theo quy định sau:

c) Để được xem xét gia hạn, đề tài phải được Hội đồng đánh giá cấp thành phố kiến nghị gia hạn và cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài phải có văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ, biên bản đánh giá cấp thành phố và phương án xử lý) trình Sở KH&CN.

d) Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được đề nghị, Sở KH&CN xem xét, thông báo ý kiến về việc gia hạn.

e) Sau thời gian gia hạn, việc đánh giá lại được thực hiện theo nội dung và trình tự của Quy định này nhưng không quá 01 lần đối với mỗi đề tài.

f) Sở KH&CN căn cứ vào kết luận của Hội đồng đánh giá cấp thành phố, xem xét xử lý theo quy định hiện hành đối với các trường hợp sau:

+  Không được gia hạn theo quy định tại điểm b (kết luận của Hội đồng đánh giá cấp thành phố lần thứ 1 ở mức “không đạt”);

+ Được gia hạn theo quy định tại điểm b nhưng kết quả đánh giá lại vẫn ở mức “Không đạt” (kết luận của Hội đồng đánh giá cấp thành phố lần thứ 2 ở mức “không đạt”).

- Trường hợp đề tài có kết quả đánh giá về tổ chức thực hiện ở mức “Không đạt”, Sở KH&CN căn cứ vào mức độ vi phạm tiến hành xử lý theo quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan.

- Chủ nhiệm đề tài thực hiện việc đăng ký, lưu trữ theo quy định hiện hành và nộp giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN (bản sao - đây là kết quả của việc đăng ký, lưu trữ đề tài) cho Sở KH&CN.

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
File đính kèm
1999_nghiem thu cap thanh pho.zip
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài