SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đóng góp của KH&CN trong ngành tài nguyên và môi trường

[02/03/2012 10:43]

Bài viết giới thiệu một số thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) nổi bật trong 10 năm qua (2002-2011) của ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) và định hướng hoạt động đến năm 2015.

Những thành tựu nổi bật giai đoạn 2002-2011

Hoạt động nghiên cứu và triển khai

Để triển khai các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm với sự gúp đỡ của Bộ KH&CN và các bộ ngành có liên quan, Bộ TN&MT đã tích cực xây dựng 2 chương trình khoa học cấp nhà nước (Chương trình KH&CN quốc gia về biến đổi khí hậu và Chương trình nghiên cứu, khắc phục hậu quả chất da can/dio xin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và sức khoẻ con người Việt Nam) và 7 chương trình KH&CN cấp bộ cho 7 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ cũng tích cực tham gia nghiên cứu trong các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước, các đề tài hợp tác theo nghị định thư. Các kết quả nghiên cứu có thể kể đến, gồm:

Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật: Cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để xây dựng và ban hành các đạo luật về TN&MT, cụ thể như: Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua năm 2008; Luật Khoáng sản được Quốc hội thông qua năm 2010. Cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện 6 nghị định trong quản lý đất đai; 4 nghị định trong quản lý hoạt động khoáng sản; 2 nghị định về quản lý tài nguyên nước; 16 nghị định trong quản lý môi trường, biển, hải đảo. Cung cấp cơ sở khoa học xây dựng Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2015; Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn; Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam; Chiến lược phát triển KH&CN biển ở Việt Nam. Cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng và ban hành nhiều thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện các luật, nghị định trong các lĩnh vực của ngành TN&MT. 

Nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản, đề xuất biện pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên: Cung cấp các luận cứ khoa học cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đai trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; cung cấp cơ sở khoa học góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường bất động sản.

Xác lập luận cứ khoa học để xác định hệ thống chỉ tiêu và trình tự xác định ngưỡng giới hạn khai thác đối với dòng chính phục vụ khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững tài nguyên nước các lưu vực sông trên lãnh thổ Việt Nam.

Góp phần hoàn thiện quy trình công nghệ phục vụ điều tra đánh giá khoáng sản, đề xuất công nghệ điều tra, tìm kiếm, thăm dò các loại khoáng sản ẩn sâu.

Xây dựng mạng lưới GPS các cấp hạng trong Hệ tọa độ động học để phát triển Hệ tọa độ động quốc gia gắn liền với Khung quy chiếu Quả đất quốc tế ITRF.

Lồng ghép các nguyên tắc quản lý tổng hợp đới bờ vào việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển; xác định ranh giới và phân cấp quản lý biển và hải đảo; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác điều tra cơ bản; xác lập cơ sở khoa học để thành lập bản đồ địa chất biển Đông tỷ lệ 1/1.000.000 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Thiết lập hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại Việt Nam bằng công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý.

Cung cấp các luận cứ khoa học ứng dụng công nghệ bay chụp ảnh số và bay quét LiDAR để thành lập mô hình số độ cao; công nghệ ảnh vệ tinh độ phân giải siêu cao Quickbird để thành lập bản đồ địa hình cơ sở tỷ lệ lớn; công nghệ thành lập bản đồ 3D; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia; tích hợp công nghệ viễn thám (RS), GIS và GPS và 3S trong giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường; từng bước đưa công nghệ 3S thành công nghệ chủ đạo trong việc thành lập và hiện chỉnh bản đồ địa hình quốc gia, kiểm kê đất đai, kiểm kê rừng, giám sát quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giám sát tài nguyên nước, biển và hải đảo, thiên tai, sự cố môi trường và nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Bảo vệ môi trường, dự báo, cảnh báo, đề xuất biện pháp phòng tránh thiên tai: Hoàn thiện phương pháp luận trong điều tra đánh giá địa chất môi trường, tai biến địa chất. Một số kỹ thuật, công nghệ và mô hình tính toán mới trong dự báo, đánh giá ô nhiễm môi trường và giám sát môi trường như công nghệ viễn thám, quan trắc khí theo công nghệ Telemonitoring, phương pháp luận xây dựng hệ số phát thải từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ điển hình cho giao thông đô thị tại Việt Nam đã được nghiên cứu và áp dụng thử nghiệm đạt kết quả tốt.

Xây dựng phương pháp lượng giá kinh tế TN&MT, xác lập cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất phương pháp xác định thiệt hại dân sự do ô nhiễm môi trường và công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp điều kiện Việt Nam cũng đã được triển khai và đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Góp phần nâng cao chất lượng quan trắc, truyền tin và dự báo khí tượng thủy văn và ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nâng cao chất lượng và thời lượng dự báo khí tượng thủy văn, thời tiết, dự báo bão, lũ, lũ quét, hạn hán, sóng thần; ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; cung cấp cơ sở khoa học cho việc đề xuất quy định lại cấp báo động lũ trên các sông chính của Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở nước ta.

Cung cấp cơ sở khoa học cho việc lồng ghép các nguyên tắc quản lý tổng hợp đới bờ vào việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển; xác định ranh giới và phân cấp quản lý biển và hải đảo.

Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ

Các hoạt động nghiên cứu áp dụng các tiến bộ KH&CN trong thực tiễn quản lý nhà nước và trong công tác điều tra cơ bản về TN&MT đã được chú ý đầu tư, khuyến khích phát triển ở tất cả các lĩnh vực của ngành. Một số kết quả tiêu biểu có thể kể đến như: Nghiên cứu làm chủ thiết kế, vận hành và khai thác hiệu quả Trạm thu ảnh vệ tinh thuộc Hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên môi trường tại Việt Nam. Xây dựng mô hình đăng ký đất đai hiện đại, hoàn thiện công nghệ xây dựng các hệ thống thông tin đa mục tiêu về đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu và thử nghiệm thành công công nghệ LODG (Locally Optimized Diferential GPS), hệ thống thiết bị quét laser bề mặt đất (LiDAR) và máy chụp ảnh số bề mặt đất (DMC) trong công tác đo đạc địa chính, thành lập bản đồ địa hình. áp dụng thành công thiết bị đo trọng lực tuyệt đối laser rơi tự do trong việc xây dựng hệ thống trọng lực quốc gia. Ứng dụng mô hình toán thủy văn và mô hình tối ưu để xây dựng Atlas lưu vực sông Việt Nam. ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong việc xây dựng quy trình, nội dung của quy hoạch tài nguyên nước; vận hành liên hồ chứa; xác định dòng chảy tối thiểu cho các dòng chính sông; Atlas lưu vực sông Việt Nam; phương thức quản lý tổng hợp hồ chứa thủy lợi, thủy điện

Nhiều công nghệ hiện đại đã được chuyển giao và ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và điều tra cơ bản về TN&MT các cấp, từ trung ương đến  địa phương, như: Xây dựng hoàn thiện và chuyển giao cho các Sở TN&MT công nghệ và kỹ thuật sử dụng ảnh vệ tinh để kiểm kê đất đai năm 2010; chuyển giao công nghệ và kỹ thuật sử dụng ảnh vệ tinh để kiểm kê rừng cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chuyển giao công nghệ vận hành trạm thu ảnh vệ tinh cho Tổng cục II (Bộ Quốc phòng), Tổng cục V (Bộ Công an). Chế tạo nguồn phát của phương pháp địa chấn để xác định cấu trúc địa chất đến độ sâu 400 m ở khu vực biển Việt Nam; chế tạo máy từ khảo sát địa chất khoáng sản biển; cải tiến tổ hợp máy địa chấn phân giải cao để khảo sát địa chất trên mặt đất và các vùng bị ngập nước (trên biển, sông, hồ); chế tạo và thử nghiệm máy đo phổ gamma; áp dụng thành công công nghệ khoan ống mẫu luồn; thiết kế, chế tạo, ứng dụng thử nghiệm bộ giàn khoan địa chất biển nông, phục vụ kịp thời công tác thu thập mẫu địa chất, khoáng sản, đánh giá tài nguyên, môi trường biển. áp dụng công nghệ đo địa hình đáy biển bằng máy đo sâu hồi âm đa tia; công nghệ đo địa chấn nông độ phân giải cao; quy trình vận hành các trạm Rada biển. Sử dụng hệ thống máy tính bó song song hiệu năng cao phục vụ công tác dự báo thời tiết. Xây dựng và sử dụng hệ thống máy tính ảo hóa, điện toán đám mây nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, các giải pháp về an ninh, an toàn, bảo mật thông tin cho dữ liệu số đảm bảo tính an toàn cho các hệ thống công nghệ thông tin trong toàn ngành. Nghiên cứu phương pháp và xây dựng phần mềm GUST xử lý các dữ liệu đo GPS/GLONASS; phần mềm LUB quy hoạch sử dụng đất tự động; phần mềm ECME-GPS đánh giá và phân tích các thành phần chuyển dịch của vỏ Trái đất bằng công nghệ GPS. Tổ chức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong xử lý số liệu khí tượng bề mặt, số liệu thủy văn vùng sông không ảnh hưởng triều, sử dụng số liệu vệ tinh trong dự báo, cảnh báo thiên tai bão lũ cho các Đài Khí tượng thủy văn khu vực và các Trung tâm Dự báo của tỉnh/thành phố. Xây dựng, lắp đặt, chuyển giao kỹ thuật quan trắc khí tượng, thủy văn và môi trường tự động cho các địa phương. Nhiều tiến bộ kỹ thuật của thế giới về dự báo và quan trắc khí tượng thủy văn đã được tiếp nhận và cải tiến cho Việt Nam và chuyển giao cho các cơ quan, các địa phương. Các kết quả này đã góp phần nâng cao năng lực dự báo và điều tra cơ bản cho toàn ngành, nhất là trong việc nâng cao chất lượng và mở rộng thời gian dự báo bão, lũ, hạn hán... Đặc biệt đã đưa ra sản phẩm mới là các bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần và chuyển giao cho Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần của Viện KH&CN Việt Nam. Đã chuyển giao các giải pháp công nghệ thông tin, nhiều phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ TN&MT trong toàn ngành như Vilis, Elis, Maptrans, TMV.CADS...

Tư vấn để Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông miền Trung và Tây Nguyên từ công tác nghiên cứu và đề xuất phương thức vận hành quy trình liên hồ giảm lũ cho hạ du dựa vào bản tin dự báo bão, lũ, tránh việc quy định các hồ phải dành dung tích phòng lũ cho cả mùa lũ làm giảm hiệu ích về phát điện (trong khi các hồ không có nhiệm vụ phòng, chống lũ) để điều hành liên hồ đã mang lại lợi ích to lớn về kinh tế trong khi vẫn đảm bảo được hiệu quả giảm lũ cho hạ du.

Một số đề tài, dự án có kết quả tốt đã được đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ, một số sản phẩm có thể kể đến là: Trạm khí tượng tự động và hệ thống trạm khí tượng tự động, Thiết bị đo mưa tự động và hệ thống trạm đo mưa tự động (đã đăng ký bản quyền về thiết kế, công nghệ, phần mềm và nhãn hiệu hàng hóa). Đăng ký bản quyền phần mềm đối với phần mềm Hệ thống thông tin tích hợp về đất đai và môi trường - ELIS.

Tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Trong thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát, chuyển đổi 37 tiêu chuẩn ngành bắt buộc áp dụng thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) xây dựng Quy hoạch quy chuẩn kỹ thuật quốc gia giai đoạn 2011-2015 cho cả 07 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TN&MT, biên soạn 47 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tại các đơn vị thuộc Bộ trong giai đoạn 2009-2012. Đến nay, Văn phòng Bộ, Viện Chiến lược Chính sách TN&MT, Cục Công nghệ thông tin đang triển khai và áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008.

Duy trì hoạt động của các trung tâm kiểm định thuộc Bộ, các trung tâm này đã kiểm định hàng trăm phương tiện đo trong 7 lĩnh vực thuộc Bộ TN&MT, góp phần đảm bảo đo lường học cho công tác điều tra cơ bản về TN&MT. Xây dựng và duy trì họat động của 11 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025.

Thành lập cơ sở hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Bộ TN&MT và tại các đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành.

Định hướng phát triển đến năm 2015

Để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, các hoạt động KH&CN cần được đẩy mạnh hơn nữa theo hướng xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ xây dựng hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng điều tra cơ bản phục vụ phòng tránh thiên tai thuộc 7 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cụ thể là:

- Đẩy mạnh các nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Ưu tiên triển khai các nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên (quyền sở hữu tài nguyên; các phương án, biện pháp tạo nguồn thu và các hình thức ưu đãi kinh tế;...); đề xuất cơ chế, chính sách phân phối, khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên của đất nước.

- Triển khai các nghiên cứu ứng dụng nhằm xây dựng và áp dụng, hoàn thiện phương pháp luận trong nhiệm vụ đánh giá, điều tra cơ bản của ngành TN&MT.

- Ứng dụng những công nghệ mũi nhọn nhằm từng bước hiện đại hóa ngành TN&MT, cụ thể là: Phát triển công nghệ thông tin bảo đảm gắn kết với công tác đào tạo nhân lực mới và lực lượng kế thừa. Đẩy mạnh tiếp thu thành tựu công nghệ thông tin trên thế giới, đồng thời phát huy năng lực công nghệ thông tin nội sinh, nâng cao hiệu quả sử dụng tiềm lực công nghệ thông tin của đất nước. Làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả Trạm thu ảnh vệ tinh.

Phát triển đồng bộ, theo hướng hiện đại hóa; lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; tăng cường sử dụng thông tin TN&MT nhằm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực; tăng cường hợp tác, tận dụng và đa dạng hóa mọi nguồn lực. Các định hướng cụ thể như sau: Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu KH&CN, đào tạo và dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực TN&MT. Chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho tổ chức và cá nhân. Đẩy mạnh sự phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài ngành trong việc triển khai các thực hiện các đề tài, dự án KH&CN. Xây dựng đội ngũ cán bộ đạt trình độ khá trong khu vực về nghiên cứu và ứng dụng KH&CN, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và triển khai các thành tựu KH&CN vào công tác quản lý nhà nước về TN&MT. Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo với các trường đại học, các đơn vị nghiên cứu trong nước và quốc tế. Hợp tác nghiên cứu với các nước có trình độ KH&CN viễn thám tiên tiến, các nhà khoa học nước ngoài trong điều tra, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường; phòng tránh giảm nhẹ thiên tai; ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng quan hệ đối tác quốc tế dài hạn và ngắn hạn có chung nhu cầu và lợi ích, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài