SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thâm canh trong nhà kính: Hướng đi mới của nông nghiệp công nghệ cao

[11/11/2013 20:38]

Thâm canh trong nhà kính thường chỉ được áp dụng để thí nghiệm tại các viện nghiên cứu hay trung tâm ứng dụng KHCN. Nhưng hiện nay, mô hình này đang thu hút sự quan tâm của những người nông dân nhờ năng suất và hiệu quả…

Từ trồng rau công nghệ cao…

Nhận thấy nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn nói chung và rau xanh nói riêng, ông La Văn Khoa, một nông dân trồng rau lâu năm tại xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đã sang tận Australia nghiên cứu, tìm hiểu quy trình trồng rau sạch. Sau đó, ông quyết định mua công nghệ về áp dụng. Ông đã cho xây dựng một căn nhà kính 3 gian rộng 1.500 m2, bên trong trang bị hệ thống điều hòa, giàn giá trồng rau quả, hệ thống tưới nhỏ giọt và phun thuốc bảo vệ thực vật tự động cùng nhiều trang thiết bị khác với chi phí khoảng 1 tỷ đồng. Đặc biệt là quy trình được điều khiển và kiểm soát chặt chẽ bằng phần mềm máy tính. Cơ sở của gia đình ông đã được Sở KHCN Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận “đủ điều kiện sản xuất rau an toàn”.

trong_rau_nha_kinh.jpg

…đến nuôi tôm siêu thâm canh

Trong khi ông Khoa thực hiện trồng rau trong nhà kính thì ông Đinh Vũ Hải, giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH MTV Hải Nguyên (Bạc Liêu) lại đi theo hướng mới: Nuôi tôm trong nhà kính. Ông đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng nhà kính nuôi tôm với quy mô ban đầu 4,5 ha. Quá trình nuôi được quản lý theo quy trình công nghệ sinh học hiện đại, có thể nuôi với mật độ cao, sản xuất liên tục trong năm mà không cần theo mùa vụ nên hiệu  quả kinh tế rất cao. Ngoài ra, do nuôi trong nhà có mái che nên tránh được những ảnh hưởng xấu của thời tiết. Đây là mô hình nuôi tôm trong nhà kính đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau 6 vụ nuôi thử nghiệm đều bội thu với năng suất bình quân 150 – 200 tấn/ha/năm, lợi nhuận lên tới 6 tỷ đồng/ha/năm. Công ty có thể nuôi tới 4 vũ/năm và tôm thương phẩm có hình thức bóng đẹp nên rất thu hút các công ty chế biến tôm xuất khẩu. Mô hình siêu thâm canh này cần khoản đầu tư khá lớn: khoảng 10 tỷ đồng/ha bao gồm chi phí xây dựng, mua bạt lót đáy ao, lắp đặt hệ thống quạt sục ôxy, dây chuyền thức ăn cho tôm… Tuy suất đầu tư lớn, nhưng mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Toàn bộ hệ thống thiết bị hiện đại và khép kín có thể nuôi với mật độ cao, từ 200 – 290 con/m3. Sau khoảng 100 ngày có thể thu hoạch với trọng lượng 30 con/kg, năng suất đạt 60 tấn/ha, cá biệt có vụ thu được 90 tấn/ha. Hiện nay, công ty dành 6 ha trong tổng số 60 ha cho mô hình nuôi tôm trong nhà kính và dự kiến sẽ xây dựng thêm 30 ha nhà kính để mở rộng sản xuất. Ông Hải hy vọng từ thành công này, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh sẽ được nhân rộng trong cả nước.   

Tạp chí Khoa học & Công nghệ, số 22 năm 2013
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài