SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát huy vai trò KH&CN trong chuỗi giá trị nông sản Việt

[09/11/2015 15:46]

Làm thế nào nâng cao giá trị nông sản Việt và vai trò của khoa học và công nghệ trong chuỗi giá trị này là chủ đề được được bàn bạc khá sôi nổi tại hội thảo vừa diễn ra trong khuôn khổ sự kiện “Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam Bộ” được tổ chức ngày 05 – 06/11 tại thành phố Vũng Tàu.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Ngũ Hiệp)

Sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề nóng, nhất là khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP. Trong thời gian qua đã có nhiều mô hình liên kết thành công giữa nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học, bước đầu hình thành một số chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, mối liên kết này nhìn chung còn lỏng lẻo, sự tham gia của nhà khoa học chưa mạnh mẽ, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao còn rất khiêm tốn. Nông sản Việt phần lớn là xuất khẩu thô nên chưa hấp dẫn thị trường nước ngoài. Chính vì vậy, giá trị xuất khẩu còn thấp. Trước vấn đề trên, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, khu vực Nam Bộ”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: “Nông nghiệp Việt Nam luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần ổn định chính trị xã hội. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu một số nông sản. Việc tạo chuỗi giá trị nông sản bền vững, nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong sản xuất, chế biến nông sản là việc rất quan trọng”.

Thực tế sau gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, gặt hái nhiều thành tựu to lớn. Tuy vậy cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, giá trị xuất khẩu của nông sản Việt cũng như khả năng cạnh tranh của chúng trên thị trường thế giới còn thấp. Nhận xét về tình trạng này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, việc phát triển nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, nông sản xuất khẩu dưới dạng thô là chính, chi phí đầu vào cao và đâu đó còn thiếu bóng dáng của công nghệ. Thêm vào đó, chất lượng nông sản không đồng đều, thiếu kho tồn trữ bảo quản, công nghệ chế biến còn lạc hậu, vẫn thiếu vắng những công ty lớn chuyên phân phối nông sản, công tác xúc tiến thương mại cũng chưa thực sự chuyên nghiệp. Tất cả những lý do đó đã và đang làm giảm giá trị xuất khẩu nông sản Việt.

hoi thao cong nghe 1.JPG

Đại điện Lãnh đạo Bộ KH&CN và một số tỉnh phía Nam tham dự hội thảo (Ảnh: Ngũ Hiệp)

Trước thực trạng đó, bà Vũ Kim Hạnh đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò tham gia của doanh nghiệp và việc áp dụng KH&CN. Để nâng cao vai trò của doanh nghiệp, theo bà Hạnh, cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, thường xuyên trao đổi rộng rãi với doanh nghiệp nhằm làm rõ những khó khăn vướng mắc thực tại và tìm hướng giải quyết. Những điều kiện mà doanh nghiệp đang mong đợi ở Nhà nước là ưu đãi về đất đai, về vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, về thuế và phí, về những hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài…

Đối với giải pháp KH&CN, nữ Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cần tìm hiểu xu hướng của người tiêu dùng thế giới và trong nước hiện nay để tạo ra sản phẩm phù hợp với khả năng kinh tế cũng như sở thích của họ. Áp dụng KH&CN ở đây không chỉ là công nghệ sản xuất mới mà cũng cần chú trọng giải pháp về quản lý nhằm giảm bớt chi phí, từ đó giảm giá thành sản phẩm.

Là một trong những đơn vị hoạt động thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nông nghiệp, Viện Cây ăn quả miền Nam đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng các loại trái cây đặc sản của vùng Nam Bộ. Việc áp dụng khá rộng rãi và đồng bộ nhều tiến bộ kỹ thuật cũng như quy trình canh tác và một số công nghệ sau thu hoạch trong trồng và chăm sóc cây trái đã mang lại hiệu quả nhất định cho địa phương, hạn chế đáng kể tình trạng sau bệnh trên trái, đảm bảo thực hiện theo quy trình GlobalGap/ VietGap, thay đổi tập quán canh tác truyền thống của bà con địa phương với tinh thần áp dụng tối đa các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những mô hình mang tính trình diễn. Để chất lượng trái cây của vùng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản… , việc áp dụng quy trình GlobalGap/ VietGap là rất cần thiết và cần nhân rộng. Theo TS. Nguyễn Văn Hòa đến từ Viện Cây ăn quả miền Nam, phải chấm dứt tình trạng sản xuất cây ăn trái một cách tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu nghiên cứu thị trường. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi xây dựng được các vùng chuyên canh quy mô lớn, khi nông dân tuân thủ nghiêm túc quy trình GlobalGap/ VietGap. Bên cạnh đó, cũng cần tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi và đây được cho là khâu rất quan trọng giúp giảm các khâu không cần thiết trong chuỗi cung ứng và giúp tăng giá trị nông sản trong tất cả các khâu từ sản xuất, đóng gói đến tiêu thụ. Ngoài ra, TS. Hòa cũng cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa cơ giới hóa trong sản xuất bởi từ kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, một khi thực hiện tốt cơ giới hóa nông nghiệp, hiệu quả sản xuất tăng đáng kể. Đối với các vườn cây ăn trái ở Việt Nam, hoàn toàn có thể áp dụng các loại xe cơ giới loại nhỏ phục vụ phun xịt và vận chuyển quả. Để làm được việc này, vườn cây ăn trái cần được thiết kế có kế hoạch và có hệ thống ngay từ đầu, việc tạo tán và cắt tỉa cành cũng phải tuân theo kỹ thuật nhất định. Có như vậy, công tác quản lý vườn, quản lý sâu bệnh và chăm sóc quả mới có thể thực hiện được một cách khoa học.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã đề xuất nhiều biện pháp khác như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư thiết bị đóng gói và chế biến, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giữa nhà khoa học và nhà nông, ưu tiên đặc biệt cho công nghệ cao. Đây thực sự là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi về thực trạng sản xuất nông sản hiện nay, chia sẻ những khó khăn và đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp vốn rất đa dạng về chủng loại của Việt Nam. 

www.most.gov.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài