SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “TRÙNG KHÁNH” CHO SẢN PHẨM HẠT DẺ

[08/04/2011 08:42]

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số496/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00026 cho sản phẩm hạt dẻ Trùng Khánh nổi tiếng. Ủy ban nhân dân huyện Trùng Khánh là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Hạt dẻ Trùng Khánh (còn được gọi là Mác Lịch) là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng. Mùa dẻ chín cũng chính là “mùa vui” của người dân các dân tộc huyện Trùng Khánh, bởi họ không chỉ được thưởng thức hương vị thơm ngon của hạt dẻ mà họ còn được gặt hái thành quả sau những ngày lao động vất vả.

Loại hạt dẻ có một không hai ở Việt Nam này được các du khách trong và ngoài nước đánh giá cao và mong muốn được thưởng thức khi họ đến thăm vùng đất được mệnh danh là “Nước non Cao Bằng”. Hạt dẻ Trùng Khánh khác biệt với các loại hạt dẻ khác như hạt dẻ Trung Quốc, hạt dẻ Lạng Sơn, hạt dẻ Quảng Uyên… bởi các tính chất và chất lượng đặc thù của nó.

Về hình thái: hạt dẻ Trùng Khánh to đều (gấp 5-6 lần hạt dẻ rừng), có hình dáng hơi tròn (kích thước ba chiều gần bằng nhau); vỏ hạt màu nâu sẫm, rất bóng, trên vỏ có lớp lông tơ màu trắng nhạt, vỏ lụa mỏng, dễ bóc, nhân hạt có màu vàng tơ, bùi và thơm ngậy.

Về chất lượng, hạt dẻ Trùng Khánh có sự khác biệt rõ ràng so với các loại dẻ trồng ở các vùng khác thông qua các chỉ tiêu như: hàm lượng nước trong nhân hạt dẻ (48,72% - 52,89%);hàm lượng gluxit trong nhân hạt dẻ (36,63% - 43,41%); hàm lượng glucoza trong nhân hạt dẻ (0,73% - 1,41%);hàm lượng lipit trong nhân hạt dẻ (1,51% - 2,16%);hàm lượng protein trong nhân hạt dẻ (3,09% - 3,94%).

Chất lượng đặc biệt của hạt dẻ Trùng Khánh có được là nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù của khu vực địa lý. Khu vực địa lý được phân bố ở các sườn đồi có độ cao khoảng 450-600m, xung quanh được bao bọc bởi các núi đá vôi tạo nên khí hậu mát mẻ quanh năm thích hợp cho sự phát triển và sinh trưởng của cây dẻ. Khu vực địa lý có nhiều sông và suối lớn chảy qua cung cấp phù sa và nước tưới cho cây. Về mặt khí hậu, khu vực địa lý có nền nhiệt độ thấp, khí hậu quanh năm mát mẻ khô ráo, nhiệt độ trung bình năm dao động từ 20oC đến 21oC, diễn biến nhiệt độ rất phù hợp với các thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây dẻ, đặc biệt là thời kỳ ra hoa, độ ẩm trung bình thấp, từ 81,9% – 82,3%, số giờ nắng nhiều, tổng số giờ nắng trung bình là 1450 giờ - 1500 giờ, rất thích hợp với đặc điểm của cây dẻ là ưa sáng. Khu vực địa lý phân bố trên đất xám, có độ dốc dưới 20 độ, có độ ẩm từ 15,74% đến 20,27%, tỷ lệ cấp hạt sét từ 27,75% đến 36,72%, hàm lượng Cacbon hữu cơ tổng số từ 1,36% đến 2,02%, hàm lượng đạm tổng số từ 0,12% đến 0,17%, hàm lượng Lân tổng số từ 0,05% đến 0,09%, hàm lượng Kali tổng số từ 0,2% đến 1,14%.

Ngoài yếu tố tự nhiên, phương pháp sản xuất và canh tác của người dân địa phương như phương pháp trồng và chăm sóc cây dẻ, kỹ thuật thu hái và bảo quản hạt dẻ cũng góp phần tạo nên chất lượng đặc thù của hạt dẻ Trùng Khánh.

Khu vực địa lý bao gồm các xã: xã Đình Minh, xã Chí Viễn, xã Khâm Thành, xã Phong Châu thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Theo noip.gov.vn (nvdat)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài