SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bình Định đẩy nhanh chuyển đổi số

[11/10/2023 08:47]

Công cuộc chuyển đổi số đang góp phần tích cực nâng cao đời sống của người dân, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp tại tỉnh Bình Định. Chuyển đổi số là cơ hội để tỉnh bứt phá, tận dụng cơ hội để cải thiện ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, nhất là xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Thực hiện Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định đã xây dựng kế hoạch “Chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Định giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” tập trung vào hai nội dung chính.

Thứ nhất, chuyển đổi số trong quản lý là số hóa thông tin, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ 4.0 để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ các cấp lãnh đạo, quản lý ra quyết định.

Thứ hai là chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá là số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến… Từng bước chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công.

Từ nền tảng công nghệ thông tin hiện có, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Định triển khai nhiều giải pháp và đã đạt được một số kết quả nhất định. Thí dụ như triển khai phần mềm quản lý hành chính điện tử (e-office) phục vụ trao đổi thông tin, văn bản chỉ đạo, quản lý điều hành qua mạng. Trang thông tin điện tử của ngành đã phát huy tác dụng khá tốt và đang tiếp tục được cải tiến, nâng cấp, kết nối hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh lên phần mềm quản lý nhà trường. Việc triển khai các phần mềm một cửa liên thông giúp người dân có thể dễ dàng đăng ký một số thủ tục hành chính qua mạng như đăng ký cấp lại bản sao văn bằng, chứng chỉ… và nhận kết quả tại nhà.

Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định đang sử dụng các chương trình quản lý nhà trường (SMAS của Viettel, vnEdu của VNPT, cơ sở dữ liệu ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (hệ thống MOET). Chương trình vnEdu dùng quản lý cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, SMAS dùng quản lý cấp mầm non và tiểu học, cơ sở dữ liệu ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý dùng chung toàn ngành cả nước (dữ liệu một năm chỉ cập nhật kỳ đầu năm và kỳ cuối năm học).

Bên cạnh đó, dịch vụ tuyển sinh đầu cấp được xây dựng giúp sở, phòng, các trường quản lý hồ sơ và cung cấp số liệu liên quan công tác tuyển sinh. Phụ huynh, thí sinh có thể dễ dàng nộp hồ sơ, tiết kiệm chi phí đi lại, tránh tụ tập đông người, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh. Tích hợp chữ ký số là công cụ đắc lực trong quản lý sổ sách cho phép nhà trường dễ dàng cập nhật, tra cứu hồ sơ theo thời gian thực, thực hiện ký số cho hồ sơ, hệ thống học và thi trực tuyến, hệ thống cung cấp giải pháp toàn diện hỗ trợ nhà trường triển khai hiệu quả học tập và đánh giá trực tuyến, đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa học tập.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định Nguyễn Đình Hùng cho biết, trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ và nhanh chóng, dữ liệu ngành giáo dục là một tài nguyên rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay dữ liệu của ngành khá rời rạc, không đồng bộ, khó khai thác số liệu thống kê báo cáo, khó khăn trong công tác dự báo. Các cấp quản lý thiếu thông tin, bị động trong chỉ đạo, điều hành… là bài toán thách thức đối với sự phát triển của ngành giáo dục.

Để giải quyết vấn đề này, việc phát triển Trung tâm Điều hành Giáo dục vnEdu IOC của Tập đoàn viễn thông VNPT được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu. Sau một thời gian triển khai thử nghiệm hệ thống vnEdu IOC, dữ liệu của ngành giáo dục đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau: Số liệu trường học và số lượng giáo viên, học sinh đã kết nối lên hệ thống vnEdu IOC đạt gần 100%. Trong đó bao gồm 11 phòng giáo dục, 637 cơ sở đào tạo với số lượng 18.133 cán bộ, giáo viên, hơn 314.000 học sinh đã được đưa lên hệ thống vnEdu IOC.

Bên cạnh đó là dữ liệu kết quả học tập, xếp loại, và các thông tin cần thiết khác của giáo viên, học sinh. Từ những số liệu đó các cấp quản lý có thể chỉ đạo điều hành một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Không chỉ nâng cấp hệ thống giáo dục, thành phố Quy Nhơn còn triển khai nhiều nền tảng công nghệ số khác. Trong đó có nâng cấp, đồng bộ các dịch vụ của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố với Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh. Đó là các dịch vụ: Giám sát an ninh, trật tự đô thị; giám sát điều hành giao thông; phản ánh hiện trường; dịch vụ Dashboard tổng hợp giám sát điều hành, đồng bộ các dịch vụ đô thị thông minh gắn với việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…

Hiện nay, Bình Định đang tiếp tục tập trung các nguồn lực phát triển xã hội số, với các yếu tố đặc trưng là mỗi hộ gia đình một đường cáp quang băng rộng, mỗi người dân một điện thoại thông minh, một danh tính số, một chữ ký số, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng cơ bản và kỹ năng số cơ bản. Đặc biệt, tập trung xây dựng kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, định hướng đến năm 2025, trong đó bao gồm khoảng 60 nhiệm vụ, và xác định “xây dựng kho dữ liệu số” là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định, dữ liệu đóng vai trò sống còn trong tiến trình chuyển đổi số. Để các hệ thống thông tin hoạt động hiệu quả, việc hoạch định, chia sẻ dữ liệu phải được tổ chức và triển khai bài bản, thống nhất trên quy mô toàn quốc. Công tác “báo cáo” trong các cơ quan nhà nước nên từng bước thay bằng nhiệm vụ “cập nhật dữ liệu” cho các hệ thống thông tin.

Để xây dựng kho dữ liệu số, Bình Định đang triển khai các công việc cụ thể: Xây dựng, duy trì hoạt động các cơ sở dữ liệu chuyên ngành cấp tỉnh (cơ sở dữ liệu giáo dục, thông tin truyền thông, tài nguyên môi trường, giao thông, thủ tục hành chính…). Kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Thống nhất triển khai các dữ liệu danh mục để làm cơ sở kết nối, liên thông. Triển khai các phân hệ của kho dữ liệu bao gồm: phân hệ tích hợp dữ liệu, phân hệ chuẩn hóa dữ liệu, phân hệ phân tích xử lý và truy vấn dữ liệu lớn, phân hệ BI và trực quan dữ liệu, phân hệ khai thác và chia sẻ dữ liệu…

Ông Phùng Văn Ổn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam chia sẻ, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, làm thay đổi cái mà nền kinh tế sản xuất ra, thay đổi cách mà chúng được sản xuất ra và thay đổi hạ tầng sản xuất ra chúng. Chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi căn bản tư duy nhận thức về tầm nhìn tương lai và các mối quan hệ kinh tế-xã hội định hình nó. Trong tương lai không xa, Bình Định và thành phố Quy Nhơn là điểm nhấn thu hút về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo ở miền trung. Đặc biệt là Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại bãi biển Quy Hòa, nơi mang đến một không gian hội nghị, nghiên cứu nhiều tiện ích cho giới khoa học.

Mới đây Tập đoàn công nghệ FPT công bố hình thành Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ tại Quy Nhơn với khát vọng đưa Bình Định trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu khu vực, trung tâm khoa học thử nghiệm các công nghệ mới nhất của thế giới.

Ngày 22/9, tại Hội thảo Hợp tác phát triển công nghệ thông tin và truyền thông lần thứ 24 tổ chức ở Bình Định, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Bình Định đã được kết nạp tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, hứa hẹn sẽ trở thành nơi gặp gỡ trực tiếp, trao đổi, học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và giải pháp - sản phẩm đã và đang ứng dụng triển khai cho công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ của Việt Nam.

Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bình Định cho biết, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự cố gắng của các ngành, đơn vị trong tỉnh, nhiệm vụ chuyển đổi số của Bình Định có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong đó, công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp đã từng bước dựa vào dữ liệu; công nghiệp công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc với việc hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung-Bình Định và sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam. Bình Định đang phấn đấu xây dựng thành phố Quy Nhơn trở thành một trong những trung tâm trí tuệ nhân tạo của cả nước. Thời gian tới, Bình Định sẽ tiếp tục phấn đấu trở thành nơi tiếp thêm động lực để các nền tảng số thật sự đi vào cuộc sống, trở thành các công cụ hỗ trợ ra quyết định cho các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp.

https://nhandan.vn (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài