SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thanh Hóa: Tìm hướng đi cho thương hiệu bánh gai Tứ Trụ

[09/06/2015 09:31]

Bánh gai Tứ Trụ là sản phẩm có nguồn gốc lâu đời của làng Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Trải qua trên 600 năm, bánh gai Tứ Trụ đã thể hiện được thế mạnh của mình khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến. Tuy nhiên, để bánh gai Tứ Trụ có sự phát triển bền vững, là sản phẩm vươn lên làm giàu của làng Thịnh Mỹ thì cần một hướng đi mang tính cơ bản.

Bánh gai Tứ Trụ mang một hương vị đặc biệt riêng so với bánh gai nơi khác.

Ra thị trường từ kênh quà biếu

Xã Thọ Diên có 370 hộ/1.420 người, trong đó có 79 hộ chuyên sản xuất bánh gai, cả năm làm ra khoảng 20.340 cái bánh, với doanh thu gần 12,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm. Được sản xuất với số lượng lớn mỗi năm và đã có mặt ở hầu hết các thị trường trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.HCM. Tuy nhiên, thị trường đầu ra của bánh gai Tứ Trụ lâu nay lại chủ yếu “dò dẫm đi” thông qua kênh “quà biếu” mà chưa có một kênh tiêu thụ, phân phối cố định nào.

Đầu ra không chủ động được mà đầu vào lại luôn bấp bênh bởi nguyên liệu sản xuất bánh chưa được quan tâm, chú trọng. Nguồn nguyên liệu tại chỗ không đảm bảo được nhu cầu. Các nguyên vật liệu chính đều phải thu mua từ nơi khác về như: gạo nếp mua từ Lào, lá gai từ Nam Định, lá chuối từ Nghệ An… với giá không ổn định. Từ đó đội chi phí sản xuất lên cao, dẫn lợi nhuận thấp. Theo tính toán của Phòng Công Thương huyện Thọ Xuân, mỗi chiếc bánh gai có chi phí trung bình là gần 3.900 đồng, với giá bán 4.500 đồng hiện tại, thì lợi nhuận mang lại rất thấp, chỉ khoảng 600 đồng/chiếc.

Trước tình hình đó, từ năm 2013 xã Thọ Diên đã phối hợp cùng với phòng Công Thương huyện Thọ Xuân xây dựng hướng đi lâu dài cho bánh gai Tứ Trụ bằng việc xây dựng và triển khai các giải pháp cơ bản giúp khôi phục và phát triển làng nghề gắn với thương hiệu “Bánh gai Tứ Trụ”.

Giải pháp nguồn nguyên liệu

Để từng bước đáp ứng nguồn nguyên liệu tại chỗ, mục tiêu trong năm 2015 này, huyện Thọ Xuân sẽ quy hoạch 646ha để trồng cây nguyên liệu chính là lúa nếp, đậu xanh và cây lá gai. Đến năm 2020 sẽ tăng diện tích lên 841ha. Huyện đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện dồn điền đổi thửa để tập trung cho từng loại nguyên liệu. Chọn cây giống cho năng suất, chất lượng tốt, và tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật gieo trồng cho bà con nhân dân. Các nguyên liệu còn lại như mật mía, đường trắng, dừa, thịt lợn, tinh dầu chuối, củi, lạt buộc, phẩm màu được thu mua tại các xã lân cận, đảm bảo cung ứng nhu cầu nguyên liệu đủ cho làng Thịnh Mỹ sản xuất bánh gai.

Việc quy hoạch vùng nguyên liệu bước đầu đã cho hiệu quả nhất định trong việc giảm chi phí sản xuất. Sau khi quy hoạch vùng nguyên liệu thì mỗi chiếc bánh gai chi phí sản xuất giảm so với ban đầu là 812 đồng, cả năm giảm được trên 16,5 tỷ, đưa tổng thu nhập cả năm lên 28,87 tỷ đồng. Như vậy, so với con số 12,24 tỷ đồng khi chưa có vùng nguyên liệu thì chiếc bánh gai đã đem lại lợi nhuận gấp đôi cho người nông dân.

Theo ông Trịnh Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân: “Huyện sẽ có những cơ chế chính sách để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tham gia chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây nguyên liệu”.

Giải pháp thương hiệu

Mặc dù sản phẩm bánh gai Tứ Trụ đã có mặt trên thị trường từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được bảo hộ thương hiệu để bảo vệ lợi ích chính đáng cho người sản xuất và người tiêu dùng. Vì vậy việc phát triển thương hiệu và xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm đã và đang được chú trọng. Đăng ký thương hiệu cho sản phẩm sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích cho các cơ sở sản xuất, người lao động và người tiêu dùng. Hiện tại, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký thương hiệu Bánh gai Tứ Trụ. 

Địa phương cũng đã hoàn thiện hồ sơ chờ xét công nhận làng nghề truyền thống. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để làng nghề tiếp cận với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, của Chính phủ trong việc khôi phục và phát triển làng nghề về lâu dài. Hiệp hội làng nghề bánh gai Tứ Trụ cũng đã được thành lập trong năm 2015, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển nghề truyền thống của địa phương. Trong tương lai, địa phương sẽ cho xây dựng khu trưng bày tại xã Thọ Diên để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm.

www.baocongthuong.com.vn (ttncac)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài