SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cạnh tranh và rào cản gia nhập thị trường

[04/08/2011 07:55]

Để cạnh tranh trên thị trường, thì trước tiên doanh nghiệp phải tham gia vào thị trường đó. Hầu hết các thị trường đều có những trở ngại riêng khiến cho việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.

 Để cạnh tranh trên thị trường, thì trước tiên doanh nghiệp phải tham gia vào thị trường đó. Hầu hết các thị trường đều có những trở ngại riêng khiến cho việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn. Từ những thập kỷ trước người ta đã bắt đầu tranh luận trong việc xác định thuật ngữ “rào cản gia nhập thị trường”, nhưng đến nay cuộc tranh luận đó vẫn chưa được ngã ngũ. Chẳng hạn, một số học giả cho rằng một “trở ngại” không phải là một rào cản nếu các công ty đang hoạt động cũng từng phải đối mặt khi họ gia nhập thị trường này. Những học giả khác lại nhận định, rào cản gia nhập thị trường là bất kỳ điều gì gây cản trở cho việc tham gia thị trường và có tác động làm giảm hoặc hạn chế cạnh tranh. Một số định nghĩa khác cũng được đưa ra, nhưng không một định nghĩa nào trong số đó tỏ ra nổi trội hơn. Do cuộc tranh luận đó vẫn chưa được giải quyết, nên trong phân tích người ta vẫn sử dụng các định nghĩa khác nhau, bởi vậy khả năng nhầm lẫn, thiếu sót trong chính sách cạnh tranh 

Gần đây, các nhà bình luận đã nhận định rằng, tranh luận về định nghĩa rào cản gia nhập thị trường là một vấn đề mang tính học thuật, chứ không liên quan đến chính sách cạnh tranh. Họ cho rằng, thực tế trong các vụ việc cạnh tranh, điều quan trọng không phải là xác định xem một trở ngại gia nhập thị trường có đáp ứng định nghĩa này hay định nghĩa kia hay không, mà nhắm đến những vấn đề thực tế hơn, đó là có tồn tại rào cản hay không, nó diễn ra khi nào và ở mức độ nào.

Cho dù có sự thống nhất về định nghĩa hay không, thì cũng không thể phủ nhận rằng khái niệm về rào cản gia nhập thị trường đóng vai trò quan trọng trong một loạt các vấn đề về cạnh tranh, bởi vì nó có ý nghĩa rất lớn trong phân tích sức mạnh thị trường. Rào cản gia nhập thị trường có thể làm chậm, làm giảm hoặc ngăn chặn hoàn toàn quá trình kiểm soát sức mạnh thị trường của một cơ chế thị trường thông thường, được phản ánh qua sức thu hút và sự tham gia của các đối thủ cạnh tranh mới.

Bài phân tích này sẽ xem xét các tác động của rào cản gia nhập thị trường đối với cạnh tranh và các vấn đề phát sinh đối với những nhà hoạch định chính sách.

Tác động của các rào cản gia nhập thị trường đối với các vụ việc cạnh tranh

Phân tích rào cản là một bước quan trọng bởi nó liên quan đến hầu hết các vụ việc cạnh tranh, ngoại trừ các hành vi vi phạm mặc nhiên như thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng (hardcore cartel). Các rào cản gia nhập thị trường cần phải được xem xét khi đánh giá về vị trí thống lĩnh, xác định khả năng ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập thị trường xuất phát từ hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh của một doanh nghiệp, phân tích khả năng tác động đến cạnh tranh trong các vụ sáp nhập. Nếu việc sáp nhập làm tăng mức độ tập trung thị trường đến một ngưỡng mà cơ quan cạnh tranh cho là có thể gây ra tác động phản cạnh tranh, thì khi đó phân tích rào cản thị trường có một ý nghĩa quan trọng, bởi vì mức độ cạnh tranh sẽ không hề giảm đi nếu các doanh nghiệp mới có thể xâm nhập thị trường một cách dễ dàng, nhanh chóng, ở mức sâu rộng. Do đó, khi muốn ngăn cấm một vụ sáp nhập, cơ quan cạnh tranh thường phải chỉ ra rằng các rào cản đó có khả năng ngăn chặn việc gia nhập thị trường một cách nhanh chóng và sâu rộng. Tương tự như vậy, để chứng minh mức thị phần cao sẽ chuyển thành sức mạnh thị trường trong các vụ độc quyền hóa và lạm dụng vị trí thống lĩnh thường phải xác định sự hiện hữu của các rào cản gia nhập thị trường.

Không cần thiết phải có một định nghĩa chính xác về rào cản gia nhập thị trường

Trong những năm gần đây, một số học giả về cạnh tranh đã nhận định không nên coi các cuộc tranh luận về rào cản gia nhập thị trường có liên quan đến chính sách cạnh  tranh. Họ cho rằng, các tư duy lý thuyết hay trừu tượng trong định nghĩa về rào cản gia nhập thị trường không quá cần thiết đối với quá trình điều tra cũng như khi đưa ra các quyết định về mặt chính sách. Thực tế trong các vụ việc cạnh tranh, điều quan trọng không phải là xác định xem một trở ngại gia nhập thị trường có đáp ứng định nghĩa này hay định nghĩa kia hay không, mà nhắm đến những vấn đề thực tế hơn đó là có tồn tại rào cản hay không, nó diễn ra khi nào và ở mức độ nào. Phần lớn các cơ quan cạnh tranh ở các nước thành viên OECD đều nhất trí với quan điểm thực tế đó.

Tính tạm thời của các rào cản

Một rào cản không thể vĩnh viễn ngăn chặn các doanh nghiệp xâm nhập thị trường nhằm tác động đến cạnh tranh và phúc lợi của người tiêu dùng. Đôi khi, chỉ cần trì hoãn quá trình tham gia thị trường của các doanh nghiệp mới đã là đủ. Do đó, các điều kiện gia nhập thị trường thường được phân tích từ bối cảnh động, chứ không phải từ góc độ tĩnh. Phúc lợi của người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu mức giá độc quyền được duy trì vô thời hạn do các rào cản gia nhập thị trường không thể vượt qua. Mặt khác, lợi ích của người tiêu dùng cũng có thể bị ảnh hưởng khi các rào cản chỉ có tác động làm trì hoãn quá trình tham gia thị trường, vì sự giảm giá cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến trì hoãn sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong tương lai.

Thông thường, vấn đề đặt ra đối với các cơ quan cạnh tranh không phải là đánh giá xem cuối cùng giá sản phẩm có bằng với mức giá cạnh tranh hay không sau khi các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường, mà là quá trình đó sẽ diễn ra bao lâu. Có lẽ không thể phân biệt rõ ràng giữa việc trì hoãn dài hay ngắn, nhưng trong các văn bản hướng dẫn của mình, nhiều cơ quan cạnh tranh đã lựa chọn mốc thời gian hai năm làm ngưỡng chuẩn.

Tính thực tiễn trong phân tích rào cản gia nhập thị trường

Phân tích rào cản chính là việc xác định xem có tồn tại những chướng ngại vật hay không, theo đó rào cản gia nhập thị trường có thể xảy ra hay không. Thông thường, trong trường hợp xảy ra các rào cản, cần xác định xem liệu nó có đủ mạnh để khiến cho các vấn đề phản cạnh tranh trở thành trọng tâm của một vụ việc. Do vậy, phần lớn cơ quan cạnh tranh đánh giá các điều kiện gia nhập thị trường một cách thực tế và linh hoạt theo từng vụ việc, chứ không phải công thức hóa hoặc xác định một cách hoàn toàn trừu tượng về những gì cấu thành nên một rào cản gia nhập thị trường. Hướng dẫn về phân tích rào cản cũng rất đa dạng, khác biệt giữa các quốc gia, tuy nhiên điểm chung của các hướng dẫn này là đánh giá khả năng gia nhập thị trường có kịp thời và đủ mạnh để xóa bỏ mối quan ngại về các tác động phản cạnh tranh có thể gây ra trong một vụ việc cụ thể. Tập trung phân tích những vấn đề đó sẽ giúp tránh được nguy cơ kết luận thiếu chính xác rằng khả năng hoặc thậm chí sự hiện diện thực tế của bất kỳ một rào cản mới nào cũng khiến cho việc can thiệp trở nên không cần thiết.

Sự khác biệt giữa rào cản chiến lược và rào cản cấu trúc

Những điều kiện cấu thành nên rào cản gia nhập thị trường có thể mang tính cấu trúc hoặc tính chiến lược.

Rào cản cấu trúc  chủ yếu bao gồm các điều kiện cơ bản của ngành như chi phí đầu tư và nhu cầu thay vì các hành vi mang tính chiến lược của các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Rào cản cấu trúc có thể tồn tại do những yêu cầu của thị trường, chẳng hạn như hiệu quả kinh tế theo quy mô và hiệu ứng mạng. Đôi khi có thể định lượng được các loại rào cản này bởi vì có thể biết rõ về chi phí cần thiết để xây dựng một nhà máy hoạt động hiệu quả hoặc chi phí để mua các trang thiết bị, nguyên liệu đầu vào thiết yếu.

Ngược lại, rào cản chiến lược lại do các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường cố tình tạo ra hoặc tăng lên nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm nhập thị trường của doanh nghiệp khác. Các rào cản này có thể xuất phát từ một số hành vi, chẳng hạn như hợp đồng giao dịch độc quyền. Việc định lượng những cản trở mà hành vi này có thể gây ra cho các đối thủ cạnh tranh tiềm năng khó hơn nhiều so với việc đo lường các mức độ của rào cản cấu trúc. Hơn nữa, không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được hành vi mang tính chiến lược của doanh nghiệp nên được coi là thúc đẩy hay hạn chế cạnh tranh. Dựa trên kinh nghiệm của các cơ quan cạnh tranh, một số chiến lược có thể được doanh nghiệp lập ra nhằm ngăn chặn cạnh tranh bằng cách tăng cường các rào cản gia nhập thị trường giúp các doanh nghiệp đang hoạt động duy trì được mức thị phần của họ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, chiến lược của doanh nghiệp có thể giúp duy trì thị phần bởi vì nó có hiệu quả, mặc dù nó cũng làm tăng các rào cản gia nhập thị trường. Cơ quan cạnh tranh đôi khi cũng gặp khó khăn trong việc xác định hành vi nào là thúc đẩy cạnh tranh, hành vi nào là phản cạnh tranh khi cả hai loại hành vi này đều có thể làm tăng các rào cản gia nhập thị trường.

Đối với các hành vi giao dịch độc quyền, nó thường có tác động thúc đẩy cạnh tranh và phúc lợi người tiêu dùng bằng cách khuyến khích các nhà bán lẻ cung cấp nhiều thông hơn và dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp hiện tại lạm dụng giao dịch độc quyền “quá nhiều” có thể tạo ra rào cản gia nhập thị trường, khi để lại số lượng rất ít các cửa hàng phân phối bán lẻ khiến cho các đối thủ tiềm năng không thể gia nhập và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường đó.

Một số loại trở ngại có thể rơi vào một trong các nhóm rào cản nêu trên, tùy thuộc vào các dữ kiện cụ thể trong một vụ việc. Chẳng hạn, rào cản pháp lý có thể được coi là rào cản cấu trúc hay rào cản chiến lược, tùy thuộc vào việc các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường có đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Chính phủ thiết lập ra các quy định đó hay không. Tương tự như vậy, chi phí chìm là rào cản cấu trúc điển hình, nhưng cũng có thể được coi là rào cản chiến lược nếu các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường cố tình tạo ra hoặc tăng cường các chi phí này, chẳng hạn như bằng cách tích hợp theo chiều dọc và do đó buộc các đối thủ cạnh tranh tiềm năng phải thực hiện tương tự.

Tính thuyết phục của bằng chứng về việc gia nhập thị trường trong quá khứ

Bằng chứng về việc gia nhập thị trường trong quá khứ có thể rất hữu ích trong việc đánh giá các điều kiện gia nhập thị trường hiện tại. Mặc dù vậy, bằng chứng đó thường không được coi là mang tính quyết định. Những trường hợp gia nhập thị trường trước đây không nhất thiết phải chứng minh được rằng việc gia nhập thị trường là dễ dàng, đủ mạnh để cạnh tranh hoặc có thể tái diễn.

Hơn nữa, các đối thủ cạnh tranh tiềm năng có thể không phải đối mặt với những điều kiện thị trường tương tự như các doanh nghiệp tham gia trước đã trải qua. Thêm vào đó, trong một giai đoạn dài không có thêm doanh nghiệp mới tham gia thị trường cũng không có nghĩa rằng rào cản gia nhập thị trường cao, hoặc sự xâm nhập thị trường mạnh mẽ không thể xảy ra trong tương lai. Ngược lại, những chứng cứ này còn có thể chỉ ra rằng thị trường này quá cạnh tranh hoặc nó đang suy thoái khiến làm giảm sức hút đối với các đối thủ cạnh tranh tiềm năng.

Tuy nhiên, lịch sử quá trình gia nhập thị trường một ngành công nghiệp có thể giúp nhận biết khả năng và bản chất của việc gia nhập thị trường trong tương lai. Chẳng hạn, nếu các điều kiện thị trường không có sự thay đổi lớn kể từ một giai đoạn trong quá khứ được sử dụng để so sánh, có thể suy luận về những điều có thể xảy ra trong tương lai dựa trên những gì đã diễn ra trong giai đoạn đó. Mặc dù các chứng cứ này có liên quan đến khả năng gia nhập thị trường, nhưng nó không đủ để đưa ra kết luận cuối cùng.

Các cơ quan cạnh tranh làm thế nào để giảm rào cản gia nhập thị trường?

Một số cơ quan cạnh tranh thường chủ động nhắm tới các rào cản gia nhập thị trường do các quy định của Chính phủ tạo ra. Họ phát hành các báo cáo nghiên cứu về tác động của các quy định này đối với cạnh tranh, đề xuất các giải pháp thay thế ít hạn chế cạnh tranh hơn, và vận động sửa đổi phù hợp. Trong các ngành, lĩnh vực được điều tiết, các thủ tục cấp phép, hạn chế lãnh thổ, tiêu chuẩn an toàn và những yêu cầu pháp lý khác có thể ngăn chặn hoặc trì hoãn gia nhập thị trường một cách không cần thiết. Trong một số trường hợp, các quy định này dường như là kết quả nỗ lực vận động hành lang của các doanh nghiệp hiện tại nhằm bảo hộ hoạt động kinh doanh của họ. Trong trường hợp khác, các doanh nghiệp hiện tại tìm cách tận dụng những lợi thế từ các quy định hiện hành để ngăn cản việc gia nhập thị trường, chẳng hạn bằng cách sử dụng các quy định này làm cơ sở để khởi kiện chống lại các đối thủ khác gia nhập thị trường. Các cơ quan cạnh tranh ở Ireland, Mexico, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã công bố các báo cáo, trong đó nêu bật các vấn đề này trong một loạt các thị trường như ngân hàng, kính áp tròng, đấu giá công và ngành rượu vang.

Trung tâm Thông tin cạnh tranh - Cục Quản lý Cạnh tranh
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài