SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sản phẩm bước đầu nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ

[21/02/2012 17:02]

Triển khai, thực hiện "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020" theo Quyết định 137/2006/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tuy còn gặp một số khó khăn nhưng bước đầu các đơn vị nghiên cứu trong cả nước đã tổ chức thực hiện được một số kết quả thuộc chương trình Khoa học - Công nghệ vũ trụ cấp Nhà nước.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng về công nghệ vũ trụ đã được khởi phát từ sau chuyến bay vào vũ trụ năm 1980 giữa nhà du hành vũ trụ Nga Go-rơ-bát-cô và Anh hùng phi công Phạm Tuân. Song vì những lý do khác nhau, hoạt động này một thời gian dài chỉ duy trì một cách tản mạn, rời rạc. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020" tại Quyết định số 137/2006/QÐ-TTg. Theo đó, một chương trình Khoa học - Công nghệ độc lập cấp Nhà nước về công nghệ vũ trụ (CNVT) được giao cho Viện KH và CN Việt Nam chủ trì.

GS Nguyễn Khoa Sơn, Chủ nhiệm chương trình Khoa học - CNVT cho biết: Hơn bốn năm chính thức đi vào hoạt động, tuy sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa thật nhịp nhàng và chưa có các đề tài, dự án quy mô nhưng những vấn đề triển khai nghiên cứu, ứng dụng thời gian qua là thiết thực, sát hợp thực tế. Trong điều kiện đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện KH và CN Việt Nam, Ðại học quốc gia Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội vô tuyến điện tử... còn quá "mỏng" nhưng đã có 19 đề tài và nhiệm vụ cấp Nhà nước về CNVT đã được triển khai, thực hiện. Ý nghĩa và giá trị thực tiễn không giống nhau, song các đề tài, dự án tập trung vào cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý trong việc xây dựng khung pháp luật của hoạt động vũ trụ ở Việt Nam và sử dụng khoảng không vũ trụ ở nước ta; các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng CNVT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng...

Có thể nói đây là lĩnh vực mới mẻ và chúng ta còn ít kinh nghiệm, trong khi hoạt động CNVT liên quan đến nhiều bộ, ngành. Cho nên trong đề tài "Nghiên cứu luận cứ khoa học cho việc xây dựng khung pháp luật của Việt Nam về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình" do PGS, TS Nguyễn Hồng Thao (Ðại học quốc gia Hà Nội) chủ nhiệm đã có hơn 150 báo cáo đi sâu vào các chủ đề như: xu thế, triển vọng phát triển Khoa học - CNVT trong thế kỷ 21; những vấn đề pháp lý trong lĩnh vực vũ trụ; xây dựng và luận giải hệ thống các luận cứ khoa học của việc xây dựng khung pháp luật về các hoạt động vũ trụ của Việt Nam trên cơ sở khảo cứu kinh nghiệm nước ngoài... Theo Viện CNVT (Viện KH và CN Việt Nam) một số đề tài nghiên cứu, nhất là nghiên cứu công nghệ và nghiên cứu ứng dụng đã bước đầu cho một số kết quả và sản phẩm thiết thực. Chẳng hạn các sản phẩm phần mềm và dữ liệu như: Phần mềm tính toán và mô phỏng ảnh hưởng động học phóng tên lửa lên các thiết bị trên boong; phần mềm mô phỏng quỹ đạo chuyển động của tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu lỏng. Là bộ tài liệu kỹ thuật và bộ phần mềm nhằm khai thác một cách hiệu quả và an toàn trạm thu ảnh vệ tinh và cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám dùng chung thuộc Trung tâm Viễn thám quốc gia. Cơ sở dữ liệu GPS và cơ sở dữ liệu về các thông số khí quyển thu được tại các vùng khác nhau của Việt Nam, bao gồm cả khí quyển tầng cao vùng xích đạo từ cùng phần mềm phân tích và xử lý số liệu trực xạ, tán xạ phục vụ nhu cầu nghiên cứu khí quyển tầng cao và xử lý tín hiệu vệ tinh. Chưa có điều kiện kiểm định, kiểm chứng một cách chính xác nhưng các sản phẩm chế tạo ứng dụng CNVT, đáng chú ý có thể đề cập. Ðó là chế tạo và lắp ráp hoàn chỉnh lần đầu tiên ở Việt Nam một bộ mô phỏng xác định và điều khiển tư thế vệ tinh trên khớp cầu điện khí ba bậc tự do, với bộ cơ cấu chấp hành là ba bánh xe quán tính và hệ ống phụt phản lực, được sử dụng trong đào tạo và nghiên cứu về công nghệ vệ tinh. Thiết kế và chế tạo một số mô-đun thiết bị thu tín hiệu định vị GPS với độ chính xác cao và các thiết bị giám sát, điều khiển các đối tượng di động dựa trên ứng dụng công nghệ định vị GPS, từ cơ sở tích hợp các chip set thế hệ mới, các hệ điều khiển nhúng và các phần mềm ứng dụng như bản đồ số và phần mềm đo lường. Trên cơ sở đó chế tạo được một loạt thiết bị phục vụ điều khiển các phương tiện giao thông, tìm kiếm dẫn đường và các hệ thống quan trắc môi trường...

Cùng với việc đầu tư xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc, phát triển hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNVT, Ban chủ nhiệm chương trình Khoa học - CNVT cũng đã xây dựng khung chương trình nghiên cứu đến năm 2015. Trong đó tập trung nghiên cứu ứng dụng các loại dữ liệu vệ tinh để mô hình hóa, dự báo và cảnh báo thiên tai, quản lý tài nguyên, môi trường; chú trọng về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguy cơ nước biển dâng ở nước ta. Nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng và chuyển giao công nghệ sử dụng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 (vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam) nhằm phục vụ giám sát môi trường, thiên tai; quản lý đất đai, rừng và giao thông đô thị; bảo đảm giữ gìn an ninh, quốc phòng và chủ quyền lãnh thổ. Từng bước nghiên cứu quy trình thiết kế và chế tạo, lắp ráp và thử nghiệm vệ tinh nhỏ quan sát trái đất phù hợp kế hoạch phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực của Việt Nam...

Nhân dân Điện tử (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài