SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hội thảo “Công nghệ oxindus: biến chất thải thành sản phẩm có giá trị”

[29/11/2010 12:44]

Trong khuôn khổ Tuần lễ văn hoá Việt - Pháp năm 2010, Bộ KH&CN phối hợp với Đại Sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Công nghệ oxindus: biến chất thải thành sản phẩm có giá trị” nhằm giới thiệu công nghệ xử lý và tái chế bụi thép tới doanh nghiệp và xúc tiến chuyển giao công nghệ này vào Việt Nam. Tới dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, đại diện Đại Sứ quán Pháp tại Hà Nội, lãnh đạo Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty Nghiên cứu và Phát triển Nguồn lực tự nhiên (NRD) và Công ty Hoá chất Kim loại (CMM) của Pháp.

Công nghệ OxIndus giúp giải quyết vấn đề môi trường (bụi thép sinh ra từ lò hồ quang điện chứa nhiều chất thải độc hại), đồng thời thu hồi để tái sử dụng kẽm (nguyên liệu mà Việt Nam hiện nay vẫn phải nhập khẩu). 

Công nghệ OxIndus được giới thiệu gồm có 2 quy trình: Tái chế hoàn toàn bụi thép, triển khai tại nhà máy thép, tập trung ở khâu trộn bụi thép với các chất phụ gia và tái tuần hoàn vào lò hồ quang cho phép thu hồi từ 50 - 80% lượng sắt trong rác thải, nâng cao hàm lượng các kim loại có giá trị (kẽm) chứa trong bụi, giảm phát thải các khí độc hại và thu hồi được một loại bụi mới, giàu kẽm và chứa rất ít sắt; quy trình xử lý tinh giúp xử lý triệt để bụi thu hồi được từ quy trình tái chế bụi thép, cho phép loại bỏ Chlore và giảm thiểu hàm lượng Fluor, được xử lý tập trung trong một nhà máy có khả năng tiếp nhận toàn bộ lượng bụi thép từ các nhà máy thép tại Việt Nam. 

Theo đánh giá của Tổng công ty thép Việt Nam, tổng lượng bụi thép sinh ra ở Việt Nam được ước lượng khoảng 70.000 tấn vào năm 2010 và sẽ đạt mức 100.000 tấn vào năm 2011. Đây là chất thải dạng bụi có chứa sắt (khoảng 40%) và các nguyên tố khác được sinh ra trong quá trình luyện thép. Bụi thép này được xếp vào loại chất thải độc hại (vì sự hiện diện của dioxines và nguy cơ thẩm thấu vào môi trường của các kim loại nặng) và bị cấm xuất khẩu theo công ước Bale. Hiện nay, Việt Nam chưa có các các giải pháp cho việc xử lý và tái chế các loại bụi thép và chưa có bất kỳ một công nghệ nào liên quan đến việc xử lý này được đưa vào sử dụng.

Năm 2009 sản lượng sản xuất thép trong nước đạt 9,6 triệu tấn, trong số này có gần 3 triệu tấn được sản xuất bằng công nghệ Lò hồ quang điện. 2% chất thải được sinh ra dưới hình thức bụi, chứa trung bình 40% sắt (tỉ lệ này giao động từ 20 đến 50% tuỳ theo nhà máy thép, tương ứng 24 000 tấn thép trên toàn bộ các nhà máy thép ở Việt Nam. Với giá bán trung bình mỗi tấn thép khoảng 11.000.000 VND, sự tổn thất sinh ra từ bụi đạt đến mức 15 triệu USD mỗi năm.

Hiện nay công ty NRD và các đối tác đang tiến hành chuẩn bị hồ sơ để xin giấy phép đầu tư và các giấy phép có liên quan (xử lý chất thải, vận chuyển,…). Dự kiến dự án khởi động vào năm 2011. Việc ứng dụng công nghệ Oxindus có thể được thực hiện theo 2 cách: mua lixăng hoặc đối tác.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài