SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khoa học công nghệ là một phần của văn hóa làm nên văn minh nhân loại: Nhận thức khoa học và công nghệ như nhận thức về văn hóa

[30/11/2014 22:57]

Chỉ khi nào xã hội nhận thức khoa học là một phần của văn hóa, nó đến tự nhiên như những hoạt động xã hội hàng ngày thì khi đó khoa học mới thực sự đi vào cuộc sống. Đó là những chia sẻ của đại diện lãnh đạo quản lý giáo dục và nghiên cứu KH - CN Pháp với chúng tôi trong chuyến học tập nghiên cứu hoạt động truyền thông KH - CN tại Pháp do Bộ KH và CN tổ chức vừa qua.

Minh họa của Trung Dũng

Đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu Pháp Dominique Chaton cho biết, để thực hiện những mục tiêu gắn khoa học với văn hóa xã hội, Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu phối hợp với các bộ liên quan như Bộ Văn hóa và Truyền thông và Bộ Giáo dục… xây dựng một chương trình chiến lược quốc gia về văn hóa khoa học và công nghệ, trong đó bao gồm các kế hoạch hành động của quốc gia trình trước Hội đồng văn hóa KH - CN và công nghiệp Quốc gia (Hội đồng Quốc gia). Ngoài ra, Nhà nước kêu gọi các cá nhân, tổ chức đăng ký các dự án mang tính sáng kiến giúp thúc đẩy phát triển văn hóa KH - CN, như các dự án xây dựng cổng thông tin nơi người ta có thể chia sẻ, tham khảo những kinh nghiệm hữu ích nhất trong truyền bá văn hóa khoa học, hay những kinh nghiệm về các phương pháp đổi mới sáng tạo đã được kiểm chứng qua thực tiễn. Các dự án này giúp hoạt động truyền bá khoa học ngày càng phát huy, mở rộng đối tượng hướng đến và xây dựng thêm nhiều chương trình truyền thông đại chúng mới mẻ. Bên cạnh đó, để giám sát những vấn đề còn nhiều ý kiến tranh luận, chưa rõ ràng liên quan tới KH - CN thì Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu cũng đã thành lập ra một đơn vị chuyên trách riêng. Theo đó có nhiều hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận, điều hòa những bất đồng này.

Về sự quan tâm của Chính phủ, Chính phủ Pháp đã đầu tư xây dựng một thành phố khoa học nhằm đưa khoa học gần gũi với công chúng. Các đơn vị từ quản lý đến nghiên cứu đều có website riêng để quảng bá, tuyên truyền về hoạt động của mình; ra các ấn phẩm liên quan; sản xuất hoặc phối hợp sản xuất các sản phẩm phát thanh, truyền hình về hoạt động KH - CN; liên kết với các đơn vị truyền thông, cơ quan báo chí để đăng tải thông tin KH - CN, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng…  Tất cả các hoạt động trên đều được Chính phủ tài trợ, phát hành miễn phí đến người dân.

Tại Pháp, Ngày KH - CN được tổ chức trên phạm vi toàn quốc vào đầu tháng 10 hàng năm. Theo đó, mỗi đơn vị nghiên cứu, đào tạo về KH - CN có những chủ đề, hoạt động đặc trưng riêng. Viện Hàn lâm Khoa học Pháp tổ chức gặp gỡ các em học sinh từ 16 - 18 tuổi đam mê khoa học với các viện sỹ hàn lâm. Để tham gia cuộc gặp gỡ này, các em phải đăng ký từ cấp địa phương, sau đó tuyển chọn khoảng 100 em. Qua cuộc trò chuyện này, các em được các nhà khoa học truyền lửa đam mê khoa học, kinh nghiệm, hoài bão để đi đến thành công con đường nghiên cứu KH - CN. Ông Dominique Chaton cho biết, hoạt động truyền thông KH - CN ở Pháp đặc biệt chú trọng gắn khoa học với văn hóa xã hội. Với quan điểm, chỉ khi nào xã hội nhận thức khoa học là một phần của văn hóa, nó đến tự nhiên như những hoạt động xã hội hàng ngày thì khi đó khoa học mới thực sự đi vào cuộc sống, chính vì vậy, rất dễ nhận thấy mô hình trao đổi giữa các nhà khoa học hàn lâm với giới trẻ, công chúng thông qua hoạt động hội thảo, gặp gỡ, giao lưu…

Tuy nhiên, hoạt động truyền thông KH - CN ở Pháp cũng có sự phân chia đối tượng truyền thông rất rõ ràng, đặc biệt là đối tượng là nhà quản lý - người có ảnh hưởng trực tiếp ra những quyết sách liên quan đến hoạt động KH - CN. Điều này dễ nhận thấy khi chúng tôi đến khảo sát các đơn vị đều có ấn phẩm và kênh phát hành riêng dành cho các nhà quản lý. Các ấn phẩm này cập nhật tình hình hoạt động KH - CN của đơn vị cũng như những khó khăn, vướng mắc mà đơn vị cần giải quyết. Không những vậy, các đơn vị này còn thường xuyên định kỳ tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi cũng như những chuyến làm việc, khảo sát giữa các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp. Thông qua hoạt động này, các bên hiểu rõ hơn về công việc của nhau, từ đó giúp những định hướng, chính sách về KH - CN bám sát hơn với thực tiễn cuộc sống.

Rời Cộng hòa Pháp, một đất nước không chỉ có Paris nổi tiếng và tráng lệ mà còn sở hữu nhiều công trình mang dấu ấn khoa học. Chúng tôi hy vọng thời gian tới Việt Nam cũng sẽ có một thành phố khoa học nhằm đưa khoa học gần gũi với công chúng, đặc biệt là giới trẻ để nuôi dưỡng đam mê và hứng thú với KH - CN.

Đại biểu nhân dân (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài