SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Những sản phẩm khoa học sáng tạo độc đáo "hút" khách của sinh viên

[16/01/2018 08:56]

Ngày hội “Khám phá khoa học tự nhiên” tại TP.HCM thu hút các em học sinh không chỉ vì sự tư vấn nhiệt tình của các thầy cô mà còn vì những sản phẩm công nghệ độc đáo của các bạn sinh viên.

Ngô Ngọc Hải, thành viên CLB NES hướng dẫn cho một bạn trẻ sử dụng kính thiên văn. Ảnh: Hà Thế An.

Sau đây là một số sản phẩm độc đáo và giành được nhiều sự chú ý tại ngày hội do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tổ chức vào ngày 14/1 tại TP.HCM:

Chỉ cần 1 triệu đồng là có kính thiên văn “coi được”

Giải đáp cho một bạn học sinh muốn làm kính thiên văn, Ngô Ngọc Hải, phụ trách nhóm thiên văn, CLB khoa học NES (ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) nói, để làm một kính thiên văn “coi được”chỉ cần bỏ ra tầm 1 triệu đồng.

Với các loại kính thiên văn thông dụng có giá từ 1 đến 2 triệu đồng, hoàn toàn có thể xem được các hiện tượng như nhật thực, nguyệt thực, các tinh văn sáng, các hành tinh như sao thổ, sao mộc…

Hải cho biết, kính thiên văn mà các bạn học sinh, sinh viên sử dụng phổ biến hiện nay được phân làm 2 loại: khúc xạ và phản xạ. Kính thiên văn được chia thành ba bộ phận chính gồm: chân kính, thân kính và hệ thống thấu kính.

Thân kính được làm bằng các loại ống nhựa PVC thẳng. Các thấu kính (gồm vật kính và thị kính) phải được đặt đồng trục với nhau. Tức là quang tâm của thấu kính phải cùng nằm trên một đường thẳng.

“Khi quyết định làm một chiếc kính thiên văn tự chế cần phải xây dựng một bản thiết kế và tính toán các số liệu chuẩn xác thì khi thực hiện sẽ dễ dàng hơn nhiều” , Hải cho hay.

Nói về vấn đề bảo quản kính thiên văn, Hải chia sẻ, người dùng tuyệt đối không được chạm tay vào các thấu kính. Bởi nếu làm vậy các thấu kính sẽ bị oxy hóa, dẫn đến nhanh hỏng. Người sử dụng nên bảo quản kính ở nơi thoáng mát, khi sử dụng xong nên sử dụng nắp đậy để chống bụi cho các khu vực ống ngắm, và vị trí đặt các thấu kính.

Thiết bị đo điện não, phán đoán trạng thái tâm lý con người

Những sản phẩm khoa học sáng tạo độc đáo "hút" khách của sinh viên - 2

Một bạn học sinh thử nghiệm thiết bị đo sóng não. Ảnh: Hà Thế An.

Sản phẩm này là của bạn Diệp Phước Lộc, khoa điện tử, viễn thông, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

Theo đó khi đeo thiết bị vào đầu, hệ thống sẽ đo các loại sóng điện của não. Cụ thể, khi sóng não Beta ở biên độ 16-30 thì trạng thái não ở mức độ tập trung bình thường. Tuy nhiên, khi sóng này đo mà nằm ngoài phạm vi này thì con người rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng…

“Thiết bị này sẽ rất thiết thực trong ngành y tế vì nó có thể giúp bác sỹ xác định trạng thái người bệnh và từ đó có thể có những hướng điều trị tích cực. Tuy nhiên, hiện sản phẩm của em chưa thể xác định được độ chính xác của các chỉ số sóng não. Cần có thời gian nghiên cứu nhiều hơn để tiếp tục kiểm chứng các chỉ số” - Lộc nói.

Lộc mong muốn sẽ được hợp tác với các chuyên gia lĩnh vực y tế để cùng nhau phát triển sản phẩm này đi đúng hướng.

“Chiếc nón kỳ diệu” giúp các bé học mà chơi

Sản phẩm này là của một nhóm giảng viên và sinh viên bộ môn giáo dục toán học, Khoa toán, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

Sản phẩm sẽ giúp trẻ mầm non tập trung hơn khi tham gia học. Theo đó, những kiến thức sẽ được viết vào mảnh giấy nhỏ, bỏ vào mỗi ô cửa. Cụ thể, giáo viên muốn các bé hiểu về các nghề nghiệp như: công an, kỹ sư, bác sỹ…

Mỗi nghề sẽ được bỏ vào các ô cửa. Các bé sẽ quay chiếc nón kỳ diệu, kim dừng lại ở ô cửa nào, cô giáo sẽ giải thích về nghề đó.

“Các em học bậc mầm non thường rất thích được chơi. Mô hình này sẽ phù hợp với tiêu chí học mà chơi và thu hút các bé ở bậc học này. Mỗi khi chiếc kim trên bề mặt nón dừng lại ở ô số nào, giáo viên sẽ mở ra và bắt đầu giới thiệu các kiến thức với các em” - Quốc Vương, thành viên nhóm phát triển sản phẩm, cho biết.

Đặc biệt, chiếc nón kỳ diệu cũng có thể sử dụng cho các em học sinh bị khiếm thị. Khi đặt chiếc nón ở chế độ tự động, chiếc nón sẽ tự quay dừng lại, đồng thời các ô cửa sẽ được tự động nhô lên. Học sinh khiếm thị hoàn toàn có thể cảm nhận được ô cửa nào nhô lên và chọn lựa.

Ngày hội Khám phá khoa học do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tổ chức vào ngày 14/1 có 25 gian hàng của các khoa, phòng thí nghiệm, CLB học thuật. Hầu hết các gian hàng đều trình bày các sản phẩm thực tế, các kết quả nghiên cứu của giảng viên, sinh viên nhằm giúp học sinh hình dung rõ ràng hơn về ngành học của mình trong tương lai.

Đã có hơn 200 học sinh THPT tham gia tham quan các phòng thí nghiệm và tự thực hành một số thao tác cơ bản khi nghiên cứu.

www.khampha.vn (ntthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài