SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sàng lọc và sản xuất chế phẩm từ cây thuốc có khả năng phòng trị bệnh cho cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

[02/03/2023 09:28]

Chiều ngày 01/3/2023, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã tổ chức họp Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố Đề tài KHCN “Sàng lọc và sản xuất chế phẩm từ cây thuốc có khả năng phòng trị bệnh cho cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)”. Đề tài do Trường Đại học Cần Thơ đăng ký chủ trì thực hiện, PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hoa đăng ký chủ nhiệm đề tài.

Thành viên Hội đồng

Qua phần trình bày đề cương của ban chủ nhiệm có thể thấy sử dụng thảo dược trong phòng bệnh được đánh giá là phương pháp ít tốn kém, thân thiện với môi trường, ít có các tác động bất lợi cho vật nuôi do ưu điểm là nguồn nguyên liệu dễ tìm, dễ trồng, dễ thích ứng. Thảo dược đóng vai trò như là một chất tăng cường miễn dịch, đặc biệt là hệ miễn dịch không đặc hiệu và gia tăng hệ miễn dịch đặc hiệu. Hệ thống miễn dịch không đặc hiệu của cá là vị trí đầu tiên trong hệ thống miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh xâm nhập. Trên đối tượng cá nuôi, thảo dược y học cũng mang lại các tác động tích cực giúp gia tăng kích thích hệ miễn dịch của cá. Cùng với khả năng giúp tăng cường hệ miễn dịch, thảo dược y học được xác định có khả năng giúp đề kháng với nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính hoặc bệnh thường gặp ở các đối tượng thủy sản. Nguyên nhân là do các hợp chất chiết xuất từ thảo dược có khả năng ức chế hoặc ngăn chặn sự sao chép của virus, làm giảm sự nhân lên của virus trong tế bào vật chủ và do vậy giúp vật nuôi kháng lại với bệnh. Chức năng đặc biệt khác được xác định là: thảo dược còn có tác dụng giống như chất kích thích tăng trưởng ở tôm, cá nuôi. Với sự thay đổi thất thường của thời tiết dẫn đến vấn đề dịch bệnh xảy ra tác động đến sản lượng nuôi. Thêm vào đó nhiều bệnh mới xuất hiện, cường độ gây bệnh tăng nên việc lạm dụng thuốc, hóa chất trong phòng và trị bệnh gia tăng khó kiểm soát. Đây là những nguyên nhân đưa đến việc tồn lưu hóa chất trong sản phẩm thủy sản, hiện tượng kháng thuốc, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, môi trường và hệ sinh thái. Do đó, việc ứng dụng các hợp chất hóa thực vật có thể là một chiến lược đầy hứa hẹn cho sản xuất thủy sản bền vững.

Ban chủ nhiệm đề tài

Mục tiêu của đề tài “Sàng lọc và sản xuất chế phẩm từ cây thuốc có khả năng phòng trị bệnh cho cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)” là: Xác định một số loài cây thuốc trên địa bàn thành phố Cần Thơ có hoạt tính kháng khuẩn gây bệnh trên cá tra; Đánh giá hoạt tính sinh học một số loài cây thuốc tiềm năng trong phòng và trị bệnh cho cá tra; Xác định 02-03 chế phẩm thảo dược giúp cá tra kháng bệnh vi khuẩn thường gặp (bệnh gan thận mủ, xuất huyết và trắng đuôi); Đề xuất định hướng và phát triển một số loài cây thuốc phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển thủy sản tại thành phồ Cần Thơ.

Các nội dung nghiên cứu khoa học bao gồm: Sáng lọc cây thuốc có hoạt tính kháng khuẩn gây bệnh trên cá tra trong điều kiện in vitro; Sàng lọc cây thuốc có hoạt tính kháng khuẩn gây bệnh trên cá tra trong điều kiện in vivo; Hoạt tính sinh học một số loài cây thuốc tiềm năng trong phòng và trị bệnh cho cá tra; Đánh giá hiệu quả của chế phẩm thảo dược giúp cá tra kháng bệnh vi khuẩn thường gặp (bệnh gan thận mủ, xuất huyết và trắng đuôi).

Toàn cảnh buổi họp

Trên cơ sở báo cáo của ban chủ nhiệm, Hội đồng cũng đưa ra một số góp ý, chỉnh sửa, bổ sung nội dung đề tài. Đề tài được Hội đồng thống nhất thông qua.

Sở KH&CN TP. Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài